17/09/2018 - 16:28

Bóng đá châu Á thiệt thòi vì UEFA Nations League? 

Khi UEFA Nations League khởi tranh hồi đầu tháng, phần lớn tín đồ túc cầu giáo đều phấn khích và đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, giải đấu này dường như để lại nhiều thách thức lớn cho sự phát triển bóng đá của các liên đoàn khác, bao gồm châu Á.

Trận Tây Ban Nha “hủy diệt” Croatia 6-0 ở vòng 2 giải UEFA Nations League. Ảnh: Goal

Mục đích ra đời của UEFA Nations League là thay thế phần lớn các trận giao hữu cũng như tạo cơ hội cho các đội tuyển không thể giành vé dự EURO 2020. Do vậy, không ngạc nhiên khi UEFA Nations League lập tức tạo ra cơn sốt dù mới qua hai lượt đấu. Nhưng câu hỏi đặt ra là bước đi “hướng nội” này của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) có ý nghĩa gì đối với sự phát triển bóng đá toàn cầu? Hãng tin Fox Sports Asia cho rằng giải đấu gồm 55 đội tuyển này có nguy cơ đào sâu khoảng cách trình độ bóng đá giữa châu Âu với phần còn lại của thế giới. UEFA Nations League bị cho là “cướp mất” thời gian mà trước đây nhiều quốc gia bên ngoài châu Âu tận dụng để sắp xếp lịch thi đấu cọ xát với các đội của châu lục này, đặc biệt là thời điểm nửa cuối năm. Thực tế là vòng bảng UEFA Nations League diễn ra trong 3 đợt tập trung của các đội tuyển từ tháng 9 đến 11-2018. Do đó, cơ hội để các đội ở Nam Mỹ, nhất là châu Phi và châu Á tự kiểm chứng sức mạnh của mình trước những đội bóng hàng đầu thế giới gần như là bất khả thi, ngoại trừ tham dự các giải đấu lớn như World Cup. Được biết 8/10 đội tuyển đứng đầu bảng xếp hạng Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đều là thành viên UEFA. Thậm chí là tốp 50 cũng đã có đến 30 đội bóng của châu Âu.

Thời điểm “rảnh chân” ít ỏi của các đội bóng mạnh châu Âu là khi UEFA Nations League tạm ngưng, nhưng khi đó họ sẽ hướng ánh nhìn sang Nam Mỹ. Đối với châu Á, ảnh hưởng của UEFA Nations League rõ nét khi đợt giao hữu mới diễn ra. Giai đoạn nửa cuối năm ngoái, Saudi Arabia được dịp thi thố tài năng với Bồ Đào Nha của siêu sao Cristiano Ronaldo và Bulgaria, nhưng trong tuần này, đối thủ của họ lại là Bolivia. Còn Nhật Bản, nay chỉ gặp Costa Rica, chứ không may mắn chạm trán Bỉ có những hảo thủ như Eden Hazard hay Romelo Lukaku như năm rồi. Tương tự, Hàn Quốc cũng phải đổi các đối thủ Serbia và Nga bằng Costa Rica và Chile. Hồi đầu năm, Úc được dịp đọ sức với Na Uy và CH Czech, nhưng sắp tới đối thủ của họ chỉ là Lebanon. Các cầu thủ Malaysia cũng vừa so giày với Đài Loan của Trung Quốc, trong khi Singapore đối đầu với 3 đội tuyển đều nằm ngoài tốp 150 thế giới (Maldives, Mauritius và Fiji).

Do vậy, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) cần tính toán bước đi cần thiết để không ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bóng đá của khu vực. Thách thức cho AFC lúc này là cân nhắc một giải đấu riêng cho khu vực. Tuy nhiên, tổ chức này lại đang lên kế hoạch tổ chức Asian Nations League tương tự phiên bản của UEFA cho các liên đoàn bóng đá thành viên. 

BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết