12/10/2009 - 21:06

Bất cập từ các khoản thu trong trường học

Một góc sân Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều. Để bảo dưỡng cơ sở vật chất hằng năm trường cần có một nguồn kinh phí và khoản thu này sẽ do trường thỏa thuận với phụ huynh. Ảnh: L.G

Các khoản thu đầu năm học luôn là nỗi lo toan của nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù đầu năm học 2009-2010, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ đã công bố chủ trương tất cả các cấp học không thu tiền xây dựng của học sinh, nhưng thực tế, phần lớn các trường vẫn thu. Và cơ sở để thu là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh.

* Nặng gánh lo toan

Đầu năm học, nhìn vào số tiền phải đóng cho con được vào học bán trú lên đến hơn 1 triệu đồng, nhiều bậc phụ huynh không khỏi thở dài. Chị N.T.N, có con vào lớp 1 bán trú của một trường tiểu học trên địa bàn quận Bình Thủy, chia sẻ: “Với những người thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng thì khoản tiền đầu năm học chẳng đáng là bao. Nhưng như hai vợ chồng tôi, làm công nhân, tổng thu nhập chưa đến 4 triệu đồng/ tháng, lại phải lo tiền nhà trọ... thì tiền học cho con quả là một gánh nặng”. Theo chị N., dù sao cũng phải gồng mình đóng tiền bởi nếu không, con chị phải qua lớp 1 buổi, không ai đưa đón cháu, càng khó hơn.

Hầu hết những khoản thu của các trường đều tương tự như nhau, gồm: tiền xây dựng và trang thiết bị, hỗ trợ lớp bán trú và lớp 2 buổi/ngày, tiền hội phí phụ huynh học sinh, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tiền ăn trong 1 tháng... tổng cộng khoảng trên 1,1 triệu đồng/học sinh lớp 1. Ở các khối lớp khác, học sinh bán trú phải đóng trên 600.000 đồng; học sinh lớp 1 buổi/ngày cũng đóng khoảng 200.000 đồng. Ông Lê Thành Bé, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn, cho biết: “Năm học 2009-2010, các trường trên địa bàn quận Ô Môn thu tiền xây dựng như những năm học trước. Cụ thể: trường mầm non thu 50.000 đồng/năm/cháu; trường tiểu học thu 60.000 đồng/năm/học sinh; trường THCS thu 70.000 đồng/năm/học sinh”.

Có thể nói, với thu nhập ở mức khá của khu vực thành thị, việc đóng vài trăm ngàn đến trên triệu đồng cho con em ở đầu năm học không phải là quá sức đối với nhiều phụ huynh. Thế nhưng, đây thật sự là gánh nặng đối với những người có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp, những gia đình khó khăn nhưng chưa đến mức được cấp sổ hộ nghèo. Em N.Q.H, một học sinh lớp 6, Trường THCS Thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, kể: “Vừa nhận giấy báo các khoản tiền cần đóng đầu năm học là mẹ em đi mượn tiền để đóng liền. Số tiền hơn 300.000 đồng mà mẹ mượn để đóng học phí và mua quần áo cho em, hai mẹ con em trả dần mỗi ngày”. Vừa ra khỏi cổng trường, H. đã tháo vội khăn quàng và cầm xấp vé số mẹ đưa để mời khách. H. cười: “Bữa nay mưa mẹ bán ế quá, con bán tiếp mẹ một lát rồi vào làm kiểm tra môn Toán”.

* Miễn mà vẫn thu

Ngành giáo dục huyện Thới Lai đã tham mưu với lãnh đạo huyện bỏ khoản thu tiền xây dựng. Thay vào đó, để thực hiện sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất trường lớp, trường sẽ thỏa thuận cùng phụ huynh về các khoản thu này. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thới Lai, cho biết: “Khoản thu xây dựng đã được xóa từ 3 năm học trước nhằm hạn chế mức thu, tạo điều kiện cho học sinh đến trường”. Đầu năm học 2009-2010, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ cũng đã công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương: “tất cả các cấp học sẽ không thu tiền xây dựng của học sinh”. Tuy nhiên, kèm theo đó là điều khoản phòng hờ: “Đối với các trường có nhu cầu sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, cần một khoản kinh phí nhất định, có thể thực hiện xã hội hóa giáo dục và nguồn thu này phải được sự thống nhất của phụ huynh học sinh”. Và hầu như trường nào cũng có nhu cầu sửa chữa và trường nào cũng thu.

Chẳng hạn, Trường THCS Thị trấn Cờ Đỏ, tiếng là không thu tiền xây dựng nhưng do yêu cầu bảo trì cơ sở vật chất, trường và phụ huynh thống nhất sẽ thu tiền sửa chữa cơ sở vật chất 40.000 đồng/học sinh. Trường Tiểu học số 3 Phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, không thu tiền xây dựng nhưng do cơ sở vật chất xuống cấp, cần sửa chữa, nhà trường và Hội Phụ huynh thống nhất vận động 50.000 đồng/học sinh để sửa chữa trường lớp. Bên cạnh đó, học sinh còn đóng tiền quỹ Hội Phụ huynh học sinh: 20.000 đồng/em; tiền khuyến học, trung bình: 30.000 đồng/em. Ở các huyện ngoại thành, trẻ học mẫu giáo một buổi, trung bình đầu năm học phải đóng khoảng 130.000 đồng/em.

Chủ trương chung của ngành là miễn nhưng lại cho phép các trường có nhu cầu sửa chữa cơ sở vật chất tự thỏa thuận với phụ huynh!? Nhu cầu thì trường nào cũng có. Theo một số Hiệu trưởng, nếu trường không thỏa thuận với phụ huynh để thu tiền sửa chữa, nâng cấp trường lớp thì trường sẽ không có kinh phí để làm một số việc, như: quét vôi lớp học, thay màn cửa sổ, thay quạt, thay đèn... Nhà trường tự thỏa thuận với phụ huynh nhưng ở nhiều trường, các khoản thu đã được lên bảng từ giữa tháng 8, trong khi đó, vào tuần đầu tháng 9, sau khai giảng, các trường mới tiến hành đại hội phụ huynh học sinh. Nghịch lý này phụ huynh nào cũng nhận thấy nhưng cho con đi học thì vẫn phải chạy lo tiền đóng đủ theo qui định của nhà trường. Đặc biệt, ở các trường trong nội ô, có được một chỗ học bán trú cho con em đã khó nên trường thông báo bao nhiêu thì phụ huynh cứ đóng bấy nhiêu, không dám thắc mắc!

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết