13/03/2010 - 12:57

Ý lại ầm ĩ chuyện Berlusconi

Thủ tướng Silvio Berlusconi. Ảnh: AP

Như tin đã đưa, Thượng viện Ý ngày 10-3 đã thông qua dự luật về “vắng mặt hợp pháp”, cho phép thủ tướng và các thành viên nội các nước này được phép vắng mặt tại các phiên tòa xét xử họ với lý do “bận việc công”. Các đảng phái đối lập đã phản đối mạnh mẽ việc thông qua dự luật này, coi đó là “luật tự tạo” và “vi phạm Hiến pháp”, kêu gọi nhân dân xuống đường biểu tình trong thời gian tới. Đây là một thời điểm khó khăn đối với Thủ tướng Berlusconi, chính phủ và đảng cầm quyền của ông, khi uy tín xuống thấp đến mức kỷ lục trong một năm rưỡi qua, sau hàng loạt vụ bê bối về tình dục, tham nhũng, lạm dụng công quyền và quan hệ bất chính với Mafia bị phanh phui.

Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi một lần nữa tránh được khả năng bị truy tố tội tham nhũng, sau khi Quốc hội nước này thông qua luật mới cho phép người đứng đầu chính phủ vắng mặt trước tòa vì bận công vụ. Luật này giúp ông Berlusconi không phải tham gia các phiên tố tụng nếu có “lý do chính đáng”, ví như họp nội các hoặc một cuộc hẹn chính thức nào đó. Đây là “cái phao” mới cứu nguy cho ông Berlusconi, bởi vì “lý do chính đáng” xem ra rất mơ hồ, chẳng hạn khi ông chủ câu lạc bộ bóng đá AC Milan từng nói rằng tham gia lễ khánh thành mở rộng một con đường dành cho xe mô tô cũng được coi là “lý do hợp lệ” để không có mặt tại tòa. Trước đó, Tòa án thành phố Milan đã quyết định hoãn một tháng phiên tòa xét xử ông Berlusconi về tội tham nhũng dự kiến hôm 28-2.

Việc thông qua luật trên đã gây ra cuộc tranh cãi ầm ĩ tại Thượng viện Ý hôm 10-3 (Hạ viện đã tán thành hồi tháng 2). Các nghị sĩ đối lập la hét trong nghị trường: “Hổ thẹn! Thật đáng hổ thẹn!”, trong khi một số người giơ cao bản sao hiến pháp Ý, mà họ cho rằng đã bị vi phạm để bảo vệ lợi ích cá nhân của Thủ tướng. Họ cáo buộc ông Berlusconi chà đạp nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và kêu gọi Tổng thống Giorgio Napolitano “sáng suốt ngăn cản văn bản hủy hoại luật pháp này”.

Luật mới được thông qua có nghĩa là tiến trình xét xử ở cả hai phiên tòa mà Thủ tướng Ý đang đối mặt, sẽ được kéo dài 18 tháng cho đến khi hết thời hạn tố tụng (2 phiên tòa xử ông Berlusconi sẽ hết hạn vào năm 2011, theo luật pháp Ý giới hạn thời gian điều tra và xử tội tham nhũng là 10 năm).

Vụ đầu tiên là ông Berlusconi bị cáo buộc hối lộ 600.000 USD cho David Mills, từng có thời gian làm cố vấn về thuế cho thủ tướng, để ông này cung cấp bằng chứng giả trong 2 phiên xét xử hồi thập niên 1990. Năm ngoái, ông Mills đã bị xử 54 tháng tù vì tội nhận đút lót, nhưng phiên tòa kháng cáo hồi tháng rồi đã bác bỏ bản án trên, do hết thời hạn xét xử theo luật. Các luật sư của Thủ tướng Ý dự kiến sẽ vận dụng luật mới ngay vào ngày 26-3 tới, khi phiên tòa xét xử liên quan tới Mills được mở lại ở Milan.

Ngoài cáo buộc tham nhũng, ông Berlusconi còn bị xét xử về tội gian lận thuế khi mua bản quyền phim của Hollywood và một trong những công ty của ông là Mediaset báo cáo tài chính sai. Các cáo buộc này dường như sẽ bị hoãn xét xử theo luật mới.

Sự nghiệp chính trị 16 năm qua của người đàn ông 3 lần làm Thủ tướng Ý này thường xuyên vướng rắc rối pháp lý với 16 cáo buộc liên quan trốn thuế và hối lộ, nhưng chưa lần nào ông bị kết án. Trong nhiều trường hợp, các phiên tòa buộc phải kết thúc vì hết hạn xét xử hoặc các đồng minh của ông ở quốc hội giới thiệu luật nhằm “cứu nguy” thủ tướng.

Có thể được “giải vây” khỏi các cáo buộc pháp lý, nhưng Thủ tướng Berlusconi khó tránh được sự sụt giảm uy tín. Theo một khảo sát hôm 11-3, tỷ lệ ủng hộ ông Berlusconi đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm cầm quyền. Chỉ có 44% người được hỏi ủng hộ thủ tướng, giảm 2% so với tháng trước, và thấp hơn nhiều so với mức 62% khi ông mới đắc cử. Cuộc khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ đảng Tự do Nhân dân (PDL) trung hữu của ông cũng xuống thấp kỷ lục, chỉ còn 43%. Theo các nhà phân tích, cuộc bầu cử địa phương vào ngày 28 và 29-3 tới ở 13 trong số 20 khu vực sẽ là “phép thử trên cả nước” về tương lai của ông Berlusconi.

N. KIỆT (Theo UPI, Telegraph, AFP)

Thủ tướng Silvio Berlusconi. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết