Được sự đồng ý của nữ Tổng thống Park Geun-hye, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 23-11 đã ký với đối tác Nhật Bản thỏa thuận trực triếp chia sẻ thông tin tình báo về các hoạt động tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, bất chấp sự phản đối quyết liệt của các đảng đối lập bởi tính chất nhạy cảm của nó.
Thỏa thuận trên có hiệu lực ngay sau khi được ký kết. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh thỏa thuận này là cần thiết trong bối cảnh Hàn Quốc đang đối mặt với các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Triều Tiên, quốc gia đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và hơn 20 lần phóng tên lửa từ đầu năm đến nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo (phải) ký thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Đại sứ Nhật Bản Yasumasa Nagamine ở Seoul ngày 23-11. Ảnh: Yonhap
Cũng theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, phương tiện do thám và vị trí địa lý của Nhật Bản sẽ "hỗ trợ rất lớn" khả năng phân tích tốt hơn về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời thu thập nhiều hơn thông tin tình báo về tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm của Bình Nhưỡng.
"Họ (Triều Tiên) cũng đang sẵn sàng thực hiện các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa bất cứ lúc nào. Nhưng từ nay chúng ta có thể sử dụng khả năng tình báo của Nhật Bản để xử lý hiệu quả các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa leo thang của Bắc Triều Tiên, qua đó sẽ tăng cường lợi ích an ninh của chúng ta" - thông cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc giải thích. Hàn Quốc đang duy trì thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự song phương với 33 nước, trong đó có Mỹ và Nga, riêng Trung Quốc từ chối lời mời đàm phán vấn đề này từ Seoul.
Theo giới phân tích, Triều Tiên đã đạt nhiều tiến bộ trong phát triển tên lửa và giúp nước này có thể bắn tên lửa từ tàu ngầm và bệ phóng di động mà khó bị phát hiện. Trong khi đó, phương tiện thu thập thông tin tình báo hiện nay của Nhật Bản được cho bao gồm 5 vệ tinh do thám, 6 tàu khu trục Aegis, 4 hệ thống radar với tầm theo dõi từ xa hơn 1.000km, 77 máy bay tuần tra hàng hải và 1 máy bay cảnh báo sớm. Bộ Ngoại giao Nhật Bản thì tuyên bố thỏa thuận quân sự trên sẽ cho phép chính phủ hai nước chia sẻ thông tin "êm đẹp và nhanh chóng hơn". Hiện Nhật-Hàn chỉ gián tiếp trao đổi thông tin quân sự thông qua trung gian là đồng minh Mỹ nhờ thỏa thuận chia sẻ tình báo ba bên được ký kết năm 2014.
Tuy nhiên, phe đối lập và những nhà hoạt động hòa bình ở Hàn Quốc đã chỉ trích chính phủ ký thỏa thuận như vậy với Nhật Bản, cho rằng Tokyo chưa thành tâm xin lỗi về tội ác chiến tranh xâm lược lại đang mở rộng vai trò quân sự ở nước ngoài. Phe đối lập đã dùng nhiều lời phê phán nặng nề nhằm vào bà Park, như gọi bà là "tổng thống phản quốc", "người ngạo mạn" (không lắng nghe tiếng nói của dư luận). Họ cho rằng thỏa thuận này là "không yêu nước và sỉ nhục", đồng thời dọa sẽ phế truất Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-koo. Một cuộc thăm dò hồi tuần qua cũng cho thấy có 59% số người Hàn Quốc được hỏi không tán đồng chính phủ ký thỏa thuận này với Nhật Bản. Trong làn sóng biểu tình đòi tổng thống từ chức vì vụ bê bối liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil, nhiều người Hàn Quốc cũng kêu gọi chính phủ không ký thỏa thuận này.
Được biết, chính vì sự phản đối quyết liệt của phe đối lập mà tháng 6-2012, chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak bất ngờ thông báo rút thỏa thuận tương tự với Nhật Bản trong khi còn chưa đầy một giờ đồng hồ nữa là diễn ra lễ ký kết. Cho nên, dù tình hình an ninh của Hàn Quốc đang phức tạp trước sự cứng rắn quá mức của nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong-un, nữ Tổng thống Park Geun-hye khó tránh khỏi bị chống đối bởi thỏa thuận gây tranh cãi giữa lúc bà chịu nhiều áp lực vì vụ xì-căng-đan chưa từng có trong lịch sử chính trường Hàn Quốc.
Về phần mình, chính quyền Bình Nhưỡng cũng đã có phản ứng, khi cho rằng thỏa thuận quân sự trên là "hành động nguy hiểm" làm gia tăng căng thẳng bán đảo Triều Tiên và "mở cửa cho Nhật Bản tái xâm lược".
KIẾN HÒA (Theo AFP, Reuters, WSJ, Nytimes, Yonhap)