|
Bà Hillary phát biểu sau khi nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ ngày 2-2.
Ảnh: Reuters |
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của các tân Ngoại trưởng Mỹ luôn là một sự kiện mang tính biểu tượng, thể hiện những ưu tiên của chính quyền mới. Theo truyền thống, các vị này thường chọn châu Âu hoặc Trung Đông để khởi hành. Nhưng lần này, theo kênh truyền hình CNN, châu Á sẽ là điểm đến đầu tiên của bà Hillary Clinton, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 2. Ngoài ba nước lớn ở Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, bà Hillary nhân dịp này cũng sẽ ghé thăm một số nước khác, trong đó có một quốc gia Đông Nam Á, có thể là Indonesia, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới và cũng là nơi Tổng thống Barack Obama từng trải qua thời thơ ấu.
Theo các nhà phân tích, chọn châu Á làm điểm đến đầu tiên, có thể bà Hillary muốn thể hiện mong muốn của chính quyền mới ở Washington là mở rộng quan hệ đối tác với Bắc Kinh nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cũng như thắt chặt liên minh chiến lược với Tokyo và Seoul. Phát biểu trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị ngoại trưởng hôm 2-2, bà Hillary tuyên bố Mỹ cần có “một cuộc đối thoại toàn diện hơn” với Trung Quốc, thay vì chỉ “đối thoại kinh tế” dựa trên danh nghĩa “đối thoại chiến lược”. Bà cũng khẳng định chính quyền Obama sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán đa phương về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga.
Châu Á tuy ít được ông Obama đề cập tới trong chiến dịch tranh cử của mình, nhưng khu vực này luôn giữ vai trò quan trọng đối với lợi ích kinh tế sống còn của nước Mỹ, nhất là vào thời buổi khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Ngoài quan hệ thương mại và đầu tư, châu Á còn là chủ nợ lớn của Mỹ.
Châu Á hiện rất mong chờ chuyến thăm của tân Ngoại trưởng Hillary bởi đảng Dân chủ có truyền thống bảo hộ mậu dịch, nên châu Á muốn biết quan điểm cụ thể của chính quyền Obama về vấn đề này. Tân chủ nhân Nhà Trắng từng chỉ trích Trung Quốc giữ giá đồng nhân dân tệ để khuyến khích xuất khẩu, làm Mỹ thâm hụt thương mại nặng nề. Nhật Bản thì lo lắng các cuộc tranh chấp thương mại với Mỹ sẽ tăng lên, nhất là sau khi Quốc hội Mỹ mới đây đề xuất chiến dịch “Người Mỹ mua hàng Mỹ”, theo đó cấm mua thép của nước ngoài trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bằng ngân sách chính phủ. Hàn Quốc thì e ngại Tổng thống Obama sẽ xem xét lại Hiệp định thương mại tự do song phương mà có lần ông nói rằng cần phải cứng rắn hơn trong vấn đề môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ, cũng như Hàn Quốc cần mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa Mỹ.
PHÚC KIẾN
(Theo CNN, IHT, Le Monde)