07/04/2010 - 10:40

Xung quanh chiến lược vũ khí hạt nhân mới của Mỹ

Một năm sau cam kết xây dựng “thế giới không có vũ khí hạt nhân”, hôm qua 6-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chiến lược vũ khí hạt nhân quốc gia mới. Tuy nhiên, tài liệu “Nhìn lại tình thế hạt nhân” được chờ đợi nhằm hạn chế khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử của Mỹ có vẻ khá thận trọng chứ không như kỳ vọng của nhiều người. Việc điều chỉnh chiến lược chỉ ở mức vừa phải đối với các lực lượng hạt nhân Mỹ, trong khi giữ nguyên lời đe dọa lâu nay về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công trước, thậm chí chống lại các nước không có vũ khí hạt nhân.

Theo chính sách mới, Mỹ có thể sử dụng vũ khí nguyên tử trước với các nước không có vũ khí hủy diệt này, trái ngược với các chính quyền tiền nhiệm, vốn cho rằng chỉ có thể tấn công bằng hạt nhân đáp trả cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học hoặc hóa học. Tuy nhiên, chính sách mới thu hẹp các mục tiêu khi nói rõ rằng Mỹ sẽ không tấn công các nước không có vũ khí nguyên tử nếu các nước này tuân thủ Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT). Có nghĩa là các nước tuân thủ NPT dù có tấn công Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ bằng vũ khí hóa học hoặc sinh học cũng sẽ không bị đe dọa đáp trả bằng vũ khí hạt nhân (nhưng ông Obama tuyên bố các nước đó sẽ “đối mặt viễn cảnh hủy diệt bằng tấn công quy ước”). Như vậy, các mục tiêu tấn công hạt nhân có thể của Mỹ thu hẹp lại còn 7 quốc gia hạt nhân đã tuyên bố (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên) và Israel (chưa tuyên bố), cùng với Iran và Syrie. Đây là lần đầu tiên Washington nói thẳng “mục đích duy nhất” của vũ khí nguyên tử Mỹ là ngăn chặn tấn công hạt nhân.

 

 USS Ohio, tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân dẫn đường của Mỹ, neo đậu tại căn cứ hải quân Busan, Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Theo tài liệu mới, Mỹ không chuyển vũ khí hạt nhân khỏi tàu ngầm, máy bay ném bom và tên lửa, những phương tiện có thể khai hỏa ngay vào thời điểm báo động, nhưng sẽ có những thay đổi về cơ chế ra lệnh tấn công hạt nhân nhằm hạn chế khả năng thực hiện tấn công bất ngờ. Chiến lược mới được xem là khuôn khổ quan trọng cho các quyết định về chính sách hạt nhân của Mỹ trong 5-10 năm tới, trong đó có quy mô kho vũ khí, vốn đầu tư cho tàu ngầm, tên lửa và các phòng thí nghiệm hạt nhân.

Các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Obama đã chọn cách dung hòa trong chính sách mới. Các nghị sĩ tự do hy vọng ông Obama sẽ thay đổi mạnh hơn và Mỹ không sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột. Nhưng các quan chức Bộ Quốc phòng và Ngoại giao lo ngại sự thay đổi như vậy sẽ chọc giận các đồng minh vốn được Mỹ bảo vệ bằng “chiếc ô” hạt nhân.

Bên cạnh đó, thái độ thận trọng của ông Obama còn cho thấy ông không muốn làm mất lòng quân đội và các nghị sĩ Cộng hòa vào thời điểm có nhiều sự kiện quan trọng. Ông Obama sắp ký hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới với Nga (START 2) tại Praha (CH Czech) vào ngày 8-4, sau đó chủ trì hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân, với ít nhất 40 nguyên thủ các nước tham gia, vào tuần tới. Thượng viện Mỹ đang xem xét thông qua START 2, vì vậy, chính quyền Obama không muốn có những thay đổi sâu sắc về chính sách hạt nhân, vốn có thể bị phe đối lập tận dụng để phản đối hiệp ước. Mặt khác, ông Obama hy vọng chiến lược hạt nhân mới và hiệp ước với Nga sẽ tạo sự tin cậy cho các nước khi Washington chuẩn bị siết chặt trừng phạt Iran và Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh về NPT vào tháng 5 tới.

N. KIỆT (Theo NYT, WSJ, Washingtonpost)

Chia sẻ bài viết