07/05/2020 - 10:29

Xây dựng chính quyền điện tử, đột phá trong cải cách hành chính 

Xây dựng chính quyền điện tử hướng đến Chính phủ số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm hiện đại hóa nền hành chính. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, việc xây dựng chính quyền điện tử cho thấy vai trò quan trọng trong thay đổi lề lối, phong cách làm việc nhằm đảm bảo bộ máy hành chính nhà nước hoạt động thông suốt và phục vụ kịp thời, hiệu quả. Tại TP Cần Thơ, việc xây dựng Chính quyền điện tử được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Giải quyết hồ sơ trực tuyến

Theo Cổng thông tin điện tử của Văn phòng Chính phủ, từ khi khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) vào tháng 12-2019, đến ngày 28-4, đã có trên 130.850 tài khoản đăng ký trên Cổng DVCQG; hơn 32,8 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ. Riêng trong hơn 1 tháng (tính từ Hội nghị sơ kết 3 tháng vận hành Cổng DVCQG vào ngày 13-3-2020), số lượng hồ sơ trực tuyến được thực hiện từ cổng tăng gần 32.000 hồ sơ, gấp 3,3 lần so với số lượng hồ sơ đã tiếp nhận từ khi khai trương. Trung bình mỗi ngày, Cổng DVCQG tiếp nhận, xử lý khoảng 1.400 hồ sơ trực tuyến. Những con số trên cho thấy, số lượng hồ sơ trực tuyến trong thời gian diễn ra dịch COVID-19 tăng rất mạnh. Điều này cũng thể hiện sự phối hợp, cố gắng của tất cả các ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến.

Tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến tại Sở Công thương TP Cần Thơ tăng đáng kể trong quý I-2020, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương còn tăng cường giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua cổng dịch vụ công trực tuyến của ngành, địa phương mình. Thống kê của Sở Công thương TP Cần Thơ, nếu như năm 2019, Sở tiếp nhận trực tuyến 5.223/9.003 hồ sơ (chiếm 53,93%, trong đó tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chiếm 53,9%), thì chỉ riêng quý I-2020, tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến tăng lên 62,94% (đây cũng là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4). Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, để thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, Sở đã sử dụng phần mềm Một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 từ năm 2013. Tháng 1-2019, Sở tiếp tục triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố tại địa chỉ http://dichvucong.cantho.gov.vn và triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ qua Cổng DVCQG theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố.

Sở Công thương đã triển khai các giải pháp nhằm đơn giản hóa TTHC; phân công công chức trong Tổ Tin học thường xuyên cập nhật các TTHC trên phần mềm khi có bổ sung sửa đổi theo Quyết định của UBND thành phố, đồng thời làm đầu mối theo dõi trong quá trình vận hành phần mềm để báo cáo Giám đốc Sở, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông khắc phục, sửa chữa đảm bảo phần mềm hoạt động ổn định và liên tục. Việc trao đổi, hỏi đáp được thực hiện đầy đủ, kịp thời và yêu cầu công chức hướng dẫn phải thực hiện hướng dẫn đầy đủ một lần để tránh gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân.

Hiện đại hóa nền hành chính

Theo lãnh đạo Cục Hải quan TP Cần Thơ, trong những năm qua, Cục Hải quan đã đẩy mạnh thực hiện công tác CCHC, hiện đại hóa hải quan, triển khai đến doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử qua hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCISS. Kết quả, 100% doanh nghiệp thực hiện khai báo hải quan điện tử. Từ đầu năm đến ngày 15-4, đã có 215 doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan tại Cục Hải quan TP Cần Thơ, tăng 9 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước, đăng ký 30.813 tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu (18.433 tờ khai xuất khẩu, 12.380 tờ khai nhập khẩu), tăng 7,43% so với cùng kỳ năm trước.

Cục đã triển khai thực hiện Hệ thống dịch vụ công trực tuyến chính thức từ năm 2017. Với hệ thống này, doanh nghiệp thực hiện TTHC về hải quan trực tuyến từ việc nộp hồ sơ đến nhận kết quả, giúp hạn chế đi lại, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hải quan. Từ đầu năm đến ngày 15-4, Cục đã giải quyết 528 hồ sơ cho doanh nghiệp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; các hồ sơ giải quyết đều đạt mức độ 3, 4 của dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, từ tháng 7-2018, Cục đã triển khai Hệ thống giám sát hải quan tự động (VASSCM) tại cảng, kho bãi có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn. Qua đó, giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu rút ngắn thời gian, chi phí, giấy tờ; giúp cơ quan hải quan nâng cao năng lực quản lý giám sát hàng hóa ra vào, tồn đọng tại các cảng, kho bãi, còn doanh nghiệp chủ động trong việc xây dựng kế hoạch khai thác, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng lưu lượng hàng hóa. Những giải pháp trên đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, du lịch trên địa bàn, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Trong đó, tại địa bàn TP Cần Thơ đã thu được 315,87 tỉ đồng, đạt 58,93% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, bằng 56,11% chỉ tiêu phấn đấu Tổng cục Hải quan giao.

Xác định xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính, các cấp, các ngành TP Cần Thơ cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Cổng dịch vụ công thành phố và Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ cho tất cả các cơ quan quản lý hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã; đã triển khai kết nối Hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố với Trục liên thông văn bản quốc gia bảo đảm việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp (từ Bộ, ngành Trung ương đến cấp xã).

Ngoài việc bố trí các nguồn vốn đầu tư công cho các dự án triển khai nền tảng chính quyền điện tử hằng năm, thành phố huy động các nguồn vốn ODA, tài trợ, vốn xã hội hóa, các doanh nghiệp tham gia triển khai thí điểm các hạng mục xây dựng chính quyền điện tử. Qua đó, góp phần hoàn thiện hạ tầng, các nền tảng công nghệ và nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức, hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết