26/11/2021 - 07:09

Vũ khí mạnh nhất trong cuộc chiến chống COVID-19 

Tính đến ngày 25-11, số ca nhiễm SARS-CoV-2  trên thế giới là xấp xỉ 260 triệu, trong đó có 5,2 triệu người tử vong. Dịch bệnh đang hoành hành dữ dội tại châu Âu nhưng điều làm nhiều người ngạc nhiên là gần đây số ca nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia và châu Phi lại giảm mạnh vì nhiều lý do.  Tuy nhiên, rốt cuộc ý thức người dân mới là yếu tố quan trọng giúp cải thiện tình hình.

Chủng Delta biến khỏi Nhật Bản

Tâm lý duy trì cảnh giác của dân Nhật góp phần kết thúc làn sóng lây nhiễm thứ năm. Ảnh: Japan Times

Tâm lý duy trì cảnh giác của dân Nhật góp phần kết thúc làn sóng lây nhiễm thứ năm. Ảnh: Japan Times

Thời gian qua, Nhật Bản liên tục ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-2 giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm và cũng có ngày không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19.

Sau khi Olympic Tokyo 2020 kết thúc hồi đầu tháng 8 năm nay, Nhật dường như đứng trước một thảm họa COVID-19, chủ yếu là do biến chủng Delta gây ra. Các bệnh viện tại đây đối mặt với áp lực chưa từng có. Tuy nhiên, dữ liệu của chính quyền thủ đô Tokyo cho thấy tỷ lệ dương tính trong các xét nghiệm đã giảm từ 25% hồi cuối tháng 8 xuống còn 1% vào giữa tháng 10. Đến cuối tháng 11, Nhật Bản chỉ ghi nhận trung bình 200 ca nhiễm mới mỗi ngày, so với hơn 26.000 trường hợp cách đây 3 tháng.

Dù thời gian đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 là chậm nhưng sau đó quốc gia 125 triệu dân này đã nhanh chóng trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới. Hiện Nhật là quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất trong Nhóm Các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7), với trên 76% dân số được chủng ngừa đầy đủ. Hơn 91% dân số từ 65 tuổi trở lên đã tiêm hai mũi. Ngay cả ở nhóm tuổi nhỏ nhất đủ điều kiện tiêm chủng là thanh thiếu niên 12-19 tuổi, 60,7% đã được tiêm phòng đủ liều. 

Nhưng vaccine không phải lời giải thích duy nhất cho sự thay đổi đáng mừng ở Nhật Bản, mà sự biến đổi gien của virus trong quá trình tự nhân bản cũng có thể đóng một vai trò nhất định. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu từ Viện Di truyền quốc gia và Đại học Niigata, các đột biến trong thông tin di truyền (RNA) của chủng Delta có thể khiến virus không thể duy trì thông tin di truyền của chính mình. Hệ quả là virus dần mất đi chức năng tự sửa lỗi gien, cuối cùng dẫn tới nguy cơ tự diệt vong.

Trong bối cảnh nhiều địa phương tại Mỹ đã nới lỏng hoặc gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín, giới chuyên gia cảnh báo giờ vẫn chưa phải lúc có thể bỏ thiết bị che mặt. Tờ New York Times đã tổng hợp ý kiến các nhà khoa học, trong đó dẫn các bằng chứng cho thấy đeo khẩu trang vẫn là chiến lược hiệu quả trong ngăn ngừa virus lây lan. Trong nghiên cứu do Đại học Stanford thực hiện tại hơn 600 ngôi làng ở Bangladesh, biện pháp khuyến khích đeo khẩu trang, bao gồm phát khẩu trang miễn phí và các chiến dịch kêu gọi cộng đồng, đã giúp tăng số người đeo khẩu trang, đồng thời giảm số ca nhiễm COVID-19. Linsey Marr, chuyên gia về virus tại Học viện Kỹ thuật Virginia khẳng định ngày càng nhiều tài liệu chứng minh đeo khẩu trang giúp trì hoãn tốc độ lây lan của SARS-CoV-2. Đeo khẩu trang còn được cho là biện pháp phòng dịch “dễ chịu, chi phí thấp hơn” và không cản trở cuộc sống so với việc bị phong tỏa.

Tín hiệu tích cực ở nhiều nơi

Xu hướng giảm còn được thấy ở Ấn Độ, nơi chỉ ghi nhận hơn 7.500 ca nhiễm mới trong ngày 23-11, mức thấp nhất trong vòng một năm rưỡi qua (đỉnh điểm là hơn 400.000 ca/ngày hồi tháng 5). Có được điều này một phần là nhờ tỷ lệ tiêm vaccine tăng lên và kháng thể cao từ những người đã khỏi bệnh, theo Hãng tin Reuters. Đến nay, 81% trong số 944 triệu dân trưởng thành ở Ấn Độ đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và 43% nhận đủ 2 liều.

Tại Indonesia, số ca nhiễm mới không ngừng giảm kể từ khi đạt đỉnh hồi giữa tháng 7, với trung bình 36.000 ca/ngày. Đến tháng 11, Indonesia ghi nhận trung bình 360 ca mỗi ngày, tương đương 1% giai đoạn đỉnh điểm. Citra Indriani, nhà dịch tễ học tại Đại học Gadjah Mada, cho rằng xu hướng ca nhiễm giảm ở Indonesia có thể do miễn dịch cộng đồng đã được hình thành tự nhiên trong nước thông qua những người mắc COVID-19 trước đó. Theo Indriani, hơn 50% ca COVID-19 hiện nay không có triệu chứng, nên có thể 80% dân số của xứ vạn đảo đã từng nhiễm chủng Delta. Sau khi hứng chịu hai làn sóng lây nhiễm hồi tháng 1 và tháng 6-7, đất nước Đông Nam Á đông dân thứ tư thế giới (274 triệu người) này hiện có tổng cộng hơn 4,2 triệu ca nhiễm với gần 144.000 người chết. Tính đến nay đã có hơn 33% dân số Indonesia được tiêm vaccine đủ liều.

Trong khi đó, châu Phi cũng gây bất ngờ vì số ca nhiễm giảm nhanh. Còn nhớ khi “bóng ma” COVID-19 lần đầu xuất hiện vào năm ngoái, giới chức y tế lo ngại đại dịch sẽ giết chết hàng triệu người châu Phi vì hệ thống chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế. Nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Phi chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng số 5,2 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Mặc dù châu Phi mới tiêm chủng cho chưa tới 6% dân số, nhưng trong nhiều tháng, nơi đây được đánh giá là “một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng nhất toàn cầu bởi COVID-19”. Theo các chuyên gia, nguyên nhân có thể do đây là lục địa trẻ. Độ tuổi trung bình của dân châu Phi là 20, thấp hơn so với 43 tuổi ở châu Âu - nơi đại dịch đang hoành hành dữ dội. Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn, người dân có xu hướng dành thời gian ngoài trời nhiều, nhờ vậy tránh được tác động chết người của virus. Những nghiên cứu khác tìm hiểu về lý do di truyền hoặc thời gian dài cộng đồng nhiễm các bệnh về ký sinh trùng, sinh phản ứng miễn dịch tự nhiên. Tuần rồi, các nhà khoa học tại Uganda phát hiện bệnh nhân tiền sử nhiễm sốt rét ít nguy cơ trở nặng và tử vong hơn sau khi mắc COVID-19.

Phải hết sức cảnh giác!

Nhìn chung, có nhiều yếu tố đứng sau những chuyển biến tích cực tại các quốc gia kể trên, nhưng suy cho cùng chính ý thức người dân mới là yếu tố cốt lõi trong cuộc chiến chống COVID-19.

Takeshi Urano - Giáo sư chuyên ngành y tại Đại học Shimane - khẳng định điều giúp xứ sở Mặt trời mọc tránh được làn sóng lây nhiễm mới tương tự những gì đang diễn ra ở các nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao khác là người Nhật tin rằng làn sóng thứ sáu sắp đến và chưa buông lỏng cảnh giác, như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Trong khi các quốc gia khác dần nới lỏng yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà và một số địa điểm sau khi tỷ lệ dân số tiêm chủng tăng cao, thì hầu hết dân chúng Nhật vẫn cảm thấy bất an khi cởi bỏ khẩu trang. Người Nhật đã hình thành thói quen giãn cách xã hội, đeo khẩu trang trong văn hóa, sinh hoạt.

Tại Zimbabwe, Tiến sĩ Johannes Marisa cũng đã nhắc nhở người dân nên hết sức cảnh giác bởi sự tự mãn sẽ đánh gục tất cả. WHO hôm 24-11 lưu ý rằng mọi người không nên quá phụ thuộc vào tiêm phòng mà lơ là những biện pháp bảo vệ khác. Tổ chức y tế toàn cầu này lo ngại người dân lầm tưởng đại dịch đã chấm dứt sau khi có vaccine và những người đã tiêm ngừa nghĩ rằng không cần đề phòng nữa. WHO nhấn mạnh vaccine có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm. Hiện biến thể Delta đang là biến thể chủ yếu gây bệnh trên toàn thế giới, lấn át các biến thể khác và biến thể gốc. Theo kết quả phân tích chuỗi gien của 845.000 mẫu bệnh phẩm được thu thập trong 60 ngày gần nhất mà sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID thực hiện, có đến 99,8% là do biến thể Delta gây ra. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng việc tiêm phòng giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong nhưng vẫn còn nguy cơ nhiễm bệnh và lây bệnh cho người khác. WHO một lần nữa kêu gọi mọi người kể cả khi đã tiêm phòng vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ nhiễm và lây bệnh cho người khác.

Biến thể mới của SARS-CoV-2 mang số lượng đột biến “rất cao”

Các nhà khoa học Anh cho hay một biến thể mới của SARS-CoV-2 phát hiện tại Botswana có số lượng đột biến rất cao, có nguy cơ gây ra các đợt bùng phát dịch trong tương lai bằng cách né tránh hệ miễn dịch của cơ thể.

Theo đó, biến thể mới  B.1.1.529 được phát hiện lần đầu tiên tại Botswana và cho tới nay, đã có 10 ca mắc biến thể mới này tại 3 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi giới chức y tế thực hiện giải trình tự gien, riêng Nam Phi ghi nhận 6 ca mắc. 

Giới khoa học bày tỏ quan ngại về sự nguy hiểm của B.1.1.529 bởi biến thể này chứa số lượng đột biến rất cao. Các nhà khoa học Anh cho biết biến thể B.1.1.529 có tới 32 đột biến trong protein gai, bộ phận vốn giúp SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào con người và chính là mục tiêu mà hầu hết các loại vaccine nhắm đến để tạo ra hệ miễn dịch chống lại COVID-19. Các đột biến ở protein gai có thể ảnh hưởng đến khả năng truyền bệnh và lây lan của virus, song cũng khiến các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh hơn.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết