 |
Hình ảnh bà Cốc Khai Lai tại phiên tòa. Ảnh NYTimes |
Ngày 20-8, bà Cốc Khai Lai vợ cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hợp Phì (thủ phủ tỉnh An Huy) kết án tử hình treo trong thời hạn 2 năm, tạm thời kết thúc vụ án gây nhiều tranh cãi và thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong nước và quốc tế.
Phát biểu sau khi rời khỏi tòa, ông He Zhengsheng, luật sư đại diện gia đình nạn nhân, nói với các phóng viên rằng: “Tôi tôn trọng bản án của tòa” và từ chối bình luận trước những câu hỏi về sự công bằng của phiên xử. Kết quả này đúng như dự đoán của các nhà phân tích, bởi trong phiên xử trước đó hồi đầu tháng, bà Cốc được cho là có vấn đề về thần kinh và giết người vì quá lo cho tính mạng của con trai khi bị ông Heywood đe dọa, thứ được xem như một tình tiết giảm nhẹ.
Theo cáo trạng, cựu luật sư 53 tuổi và con trai Bạc Qua Qua, 24 tuổi, có “xung đột về lợi ích kinh tế” với doanh nhân Heywood. Bà đã mời ông Heywood từ Bắc Kinh tới Trùng Khánh nói chuyện. Hai người đã uống rượu trong phòng khách sạn, trong khi quản gia Trương chờ ở bên ngoài. Sau khi doanh nhân 41 tuổi say xỉn, nôn mửa và đòi uống nước, bà Cốc và quản gia họ Trương đã đổ thuốc độc xyanua vào miệng ông. Công tố viên cho biết sau đó, bà Cốc đã rải vỏ đựng ma túy tổng hợp trên sàn nhà nhằm dựng hiện trường như là ông Heywood đã dùng chất gây nghiện. Khi nói lời sau cùng trước khi phiên tòa kết thúc, cả hai bị cáo đều nhận tội và cho biết sẽ không kháng cáo.
Ban đầu, cái chết của ông Heywood hồi tháng 11 năm ngoái tại một khách sạn ở thành phố Trùng Khánh nơi chồng bà Cốc làm lãnh đạo được mô tả là do lạm dụng rượu. Gia đình nạn nhân chấp nhận kết quả điều tra, dù bạn bè của ông nghi ngờ do họ biết ông không có thói quen uống nhiều. Nhưng điều đáng nói là vụ án rốt cuộc đã trở thành vụ bê bối chính trị lớn nhất ở Trung Quốc trong vài chục năm trở lại đây, khi nước này chuẩn bị thực hiện việc chuyển giao quyền lực vào cuối năm nay. Các nhà phân tích nhận định vụ án đã đặt giới chức Trung Quốc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: xử quá nhẹ có thể khiến người ta nghĩ người có quan hệ với các nhà lãnh đạo quyền lực có thể thoát tội giết người, còn xử quá nặng thì bị coi là sự trả đũa bởi các đối thủ chính trị nhằm vào gia đình của một quan chức nổi tiếng.
Đại sứ quán Anh tại Bắc Kinh đã lên tiếng hoan nghênh việc Trung Quốc tiến hành điều tra và xét xử vụ giết hại công dân Anh tại Trung Quốc. Thông cáo của Đại sứ quán nêu rõ: “Chúng tôi hoan nghênh việc nhà chức trách Trung Quốc điều tra về cái chết của Heywood và đưa những người có liên quan ra xét xử”. Trong khi đó, dư luận cho rằng với việc hoãn thi hành án tử hình trong 2 năm, bà Cốc có thể được giảm án xuống mức tù chung thân nếu không phạm thêm tội.
Vụ án của bà Cốc Khai Lai đã khép lại cũng là lúc dư luận bắt đầu quay sang theo dõi số phận của chồng bà, ông Bạc Hy Lai, người đã bị cách chức lãnh đạo Trùng Khánh và đình chỉ mọi chức vụ vì “vi phạm nghiêm trọng các qui định trong đảng”. Giới phân tích nhận định các vụ bê bối nhà họ Bạc có thể đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của một gia đình danh tiếng và quyền lực ở Trung Quốc.
T.TRÚC (Theo Guardian, CNN, Telegraph)