05/09/2007 - 15:24

Vịnh Bengal dậy sóng

Hôm qua 4-9, 3 tàu sân bay khổng lồ, 1 tàu ngầm hạt nhân, hàng chục tàu chiến lớn nhỏ các loại cùng trên 160 máy bay chiến đấu đến từ 5 quốc gia gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Singapore bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài một tuần trên Vịnh Bengal. Trong đó, Mỹ đóng góp 2 tàu sân bay, 1 tàu ngầm hạt nhân và 11 tàu chiến; Ấn Độ 1 tàu sân bay, 6 tàu chiến; Nhật Bản 2 tàu chiến; Australia 1 tàu chiến cùng 1 tàu chở dầu; và Singapore 1 tàu chiến. Đây là lần đầu tiên trên Vịnh Bengal diễn ra cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của nhiều cường quốc như vậy.

Cuộc tập trận mang tên Malabar 07-02 này nằm trong khuôn khổ “Sáng kiến bốn bên” giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, được khởi xướng bên lề hội nghị an ninh tại Manila (Philippines) hồi tháng 5-2007. “Đối tác chiến lược” giữa 4 cường quốc này ngay từ khi mới manh nha đã vấp phải sự hoài nghi của Trung Quốc, và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng yêu cầu làm rõ trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nhân hội nghị thượng đỉnh G8 ở Đức một tháng sau đó. Tuy nhiên, New Delhi vẫn là nơi diễn ra các cuộc thảo luận tấp nập để biến “Sáng kiến bốn bên” thành hiện thực. Tháng 7-2007, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Brendan Nelson soạn thảo một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Ấn Độ. Tháng sau, Đô đốc Russell Shalders, Tư lệnh Hải quân Australia, tới New Delhi bàn về cơ chế hợp tác và các bước chuẩn bị chi tiết cho cuộc tập trận. Vài ngày sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Ấn Độ với cam kết hỗ trợ kinh tế và thương mại nếu New Delhi đồng ý tham gia “Trục tự do châu Á” kéo dài từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương, nhằm tạo ra một “liên minh dân chủ” có nhiệm vụ chống lại các cường quốc mà họ cho là không dân chủ (ám chỉ Trung Quốc). Sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yoriko Koike (vừa từ chức) và Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Timothy Keating tại Ấn Độ vào hạ tuần tháng 8 cũng cho thấy cuộc đánh trận giả này được chuẩn bị hết sức chu đáo.

Vịnh Bengal có diện tích khoảng 2,172 triệu cây số vuông với phía Tây thuộc hải phận Ấn Độ và Sri Lanka, phía Bắc giáp Bangladesh, phía Đông kề bên Myanmar và miền Nam Thái Lan. Nhiều con sông lớn như sông Hằng, Brahmaputra, Irrawaddy, Dodavari, Mahanadi, Krishna và Sumatra nổi tiếng đều chảy vào Vịnh Bengal. Chính phủ Ấn Độ xem Vịnh Bengal như là vùng sân sau và đóng vai trò cực kỳ quan trọng bảo vệ các tuyến đường vận tải- viễn thông trên biển thông qua Eo biển Malacca của khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, bằng việc thúc đẩy hợp tác hải quân với Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka, Trung Quốc cũng muốn tiếp cận Vịnh Bengal chiến lược này.

Như vậy, có thể nói cuộc tập trận qui mô lớn đang diễn ra trên Vịnh Bengal là sự đáp trả của “Trục tự do châu Á” đối với cuộc cuộc tập trận “Sứ mệnh Hòa bình 2007” mới đây của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - được xem là đối trọng của NATO - do Nga và Trung Quốc nắm vai trò chủ đạo. Thông qua Malabar 07-02, ngoài mục tiêu tăng cường khả năng chống khủng bố và hải tặc, Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia còn muốn phô trương sức mạnh của một “liên minh dân chủ” đang tìm cách thống lĩnh khu vực rộng lớn trải dài từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương.

PHÚC NGUYÊN
(Tổng hợp từ BBC, Newspostindia, Newspolitician, Wikipedia)

PHÚC NGUYÊN (Tổng hợp từ BBC, Newspostindia, Newspolitician, Wikipedia)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Vịnh Benga