Tại vòng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 5 hồi tuần qua, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương so sánh hai nước như một cặp vợ chồng mới cưới không thể ly hôn, mà phải tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
Dĩ nhiên, có thể hiểu đó là cách nói dí dỏm của Uông cốt tạo ra bầu không khí cởi mở cho cuộc đàm phán về nhiều vấn đề thời sự hết sức căng thẳng. Có điều, thực tế cũng nhận ra rằng các nhà đàm phán từ Bắc Kinh đã chịu nhiều sức ép lớn hơn và đòi hỏi phải "nuông chiều" các đối tác tại Washington.
Cần biết rằng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2009, được xem là diễn đàn thường xuyên và toàn diện để thảo luận các vấn đề quan hệ hai nước. Nhưng bối cảnh của cuộc đối thoại lần này khác xa so với năm đầu tiên, khi Trung Quốc được cho là nền kinh tế sáng sủa nhất, trong khi Mỹ phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1930 - 1933. Năm năm sau, dù tốc độ phục hồi còn chậm nhưng kinh tế Mỹ đã có bước tiến vững chắc trong khi Trung Quốc lại đang có dấu hiệu xuống dốc, khiến Mỹ và Trung Quốc bước vào đối thoại với vị thế hoàn toàn khác.
Bắc Kinh đã từng hô hào mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, cho rằng mô hình của phương Tây đang trên đà sụp đổ và mục nát. Vào thời điểm đó, đã có những đồn đoán về khả năng phương Tây phải chấp nhận nhóm hai nước (G2) Mỹ và Trung có thể chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đó cũng là thời điểm Trung Quốc tự cho mình có ảnh hưởng ngang Mỹ trên trường quốc tế và thậm chí xét góc độ kinh tế còn có phần vượt trội hơn Mỹ.
Thế nhưng, tại vòng đối thoại vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew có dịp tung hô nền kinh tế số một thế giới đã tăng trưởng 40 tháng liên tiếp và đang tiếp tục được củng cố. Ngược lại, ông cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần cải thiện hoặc thay đổi: từ lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính cho đến vấn đề an ninh mạng và quyền sở hữu trí tuệ.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc đã không còn chỉ trích Mỹ về sự yếu kém trong hoạt động giám sát hệ thống tài chính và các tập đoàn tài chính-ngân hàng lớn như trước. Chính ông Uông đã phải cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục các nỗ lực cải cách nền kinh tế, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn và mở rộng thị trường hàng hóa khổng lồ cho Mỹ.
Trung Quốc cũng bị cho đứng đằng sau "giật dây" gây căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên nhằm phục vụ mưu đồ chiến lược của mình. Bắc Kinh còn bị phê phán mạnh mẽ vì thái độ kẻ cả trong vấn đề tranh chấp biển đảo ở châu Á, nơi Mỹ đang "xoay trục" vào nhằm kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Barack Obama do đó đã kêu gọi Trung Quốc giải quyết những tranh chấp "theo hướng hòa bình" và "không sử dụng hình thức dọa dẫm hay cưỡng ép".
Trung Quốc gần như không có gì để đem ra mặc cả với Mỹ trong vòng đối thoại lần thứ 5 này. Vì vậy, Trung Quốc mong muốn hợp tác, gắn kết chặt chẽ hơn với Mỹ, trong khi Mỹ lại tỏ ra không sốt sắng. Vị thế của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rõ ràng đang phân định một cách rạch ròi hơn.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)