18/05/2022 - 21:32

Vì sao ông Erdogan muốn hòa giải giữa Nga và Ukraine? 

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tự xem mình là người duy nhất có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai quốc gia láng giềng này.

Những nỗ lực kiến tạo hòa bình của Tổng thống Erdogan được thể hiện qua việc Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì 2 vòng đàm phán riêng rẽ giữa Nga và Ukraine hồi tháng 3 vừa rồi. Ðầu tiên ông chào đón các ngoại trưởng Nga và Ukraine vào ngày 10-3 và sau đó là phái đoàn hai nước vào ngày 29-3.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) gặp người đồng cấp Ukraine Zelensky tại Kiev hồi đầu năm nay.
Ảnh: Reuters

Một tháng sau, ông Erdogan tiếp tục nâng cao uy tín ngoại giao bằng cách điều phối một cuộc trao đổi tù nhân giữa Mỹ và Nga. Kể từ đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm thủ đô Kiev, còn Tổng thống Erdogan thì bày tỏ mong muốn trao đổi trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để theo đuổi thỏa thuận.

Nỗ lực tự xem là người kiến tạo hòa bình trong cuộc xung đột tại Ukraine của ông Erdogan phần nào có thể được lý giải bởi quan hệ kinh tế sâu sắc giữa Ankara và Mát-xcơ-va cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay bế tắc trên con đường trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Những mối quan hệ ràng buộc

Theo cuộc khảo sát hồi đầu năm của Hãng thăm dò Metropoll, các công dân Thổ Nhĩ Kỳ chia rẽ giữa việc chính sách đối ngoại của nước này nên tập trung vào phương Tây hay hướng sang phía Ðông. Chưa tới 39,5% ý kiến ủng hộ xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Nga và Trung Quốc, trong khi 37,5% yêu thích EU và Mỹ hơn. Bản thân ông Erdogan lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, nhưng đồng thời trách móc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên, chẳng hạn như lập luận rằng “xung đột nổ ra là do nhiều năm bành trướng, không tôn trọng các thỏa thuận sau khi bức tường Berlin sụp đổ”.

Ðối với quan hệ với Ukraine, nhóm dân tộc Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ Tatar, đặc biệt là ở bán đảo Crimea, lại gắn kết hai nước. Ðiều này giúp giải thích tại sao một thành viên thuộc tiểu đoàn Azov của Ukraine (là một người Tatar) hồi đầu tháng 5 đã trực tiếp cầu khẩn ông Erdogan sơ tán những người cố thủ trong nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol.

Ngoài ra, giữa Ankara và Kiev còn có những mối quan hệ quân sự và kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài chính ở Ukraine năm 2020 và quan hệ trong lĩnh vực thương mại, quân sự càng được thắt chặt hồi năm ngoái. Theo thỏa thuận giữa hai nước, phía Ankara cam kết hỗ trợ 18,5 triệu USD cho Kiev để giúp quốc gia Ðông Âu đáp ứng những nhu cầu quân sự. Văn kiện cũng chứng kiến Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý cung cấp “những đảm bảo về an ninh và hòa bình” tại vùng Biển Ðen mang tính chiến lược. Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới với Ukraine và Nga ở Biển Ðen. “Cả hai nước có thể được gọi là bạn. Từ năm 2019 đến khi chiến tranh nổ ra, hai Tổng thống Zelensky và Erdogan đã gặp nhau ít nhất 6 lần”, nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) nhận định.

Về kinh tế, 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Nga, trong khi Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến tạo ra khoảng 10% lượng điện tiêu thụ hàng ngày của nước này từ năm 2025. Nga cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara muốn hòa bình

Thổ Nhĩ Kỳ đang lo ngại sự mở rộng của Nga trong khu vực. “Thật tình tôi chưa thấy mục đích của việc đứng ra dàn xếp, nhưng hòa bình chắc chắn có lợi cho Ankara bởi nước này có quan hệ ngoại giao và kinh tế rất tốt với Mát-xcơ-va”, Selim Kuneralp, cựu Ðại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại EU, chia sẻ.

Theo ông Kuneralp, không chỉ năng lượng, xây dựng cũng là lĩnh vực hưởng lợi từ quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Vị này cho rằng không như các quốc gia châu Âu và Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều công ty được cấp giấy phép xây dựng tại Nga. Những công ty này chắc chắn sẽ hứng chịu lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây.

Từ lúc xung đột tại Ukraine nổ ra, tỷ giá đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm nhiều so với đồng USD, trong khi lạm phát tại nước này tăng vọt lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ, lên tới 61,14% trong tháng 3 vừa rồi. Mối lo ngại chính của người dân Thổ Nhĩ Kỳ không phải chính sách đối ngoại mà là sự ổn định kinh tế, trong bối cảnh nước này sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào năm tới.

Phần Lan và Thụy Điển ngày 18-5 đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO tại trụ sở của liên minh ở Brussels (Bỉ). Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc kết nạp 2 nước này.

HẠNH NGUYÊN (Theo Euronews, Reuters)

Chia sẻ bài viết