07/03/2009 - 08:48

Vì sao NATO nhượng bộ Nga?

Các Ngoại trưởng NATO tại cuộc họp ở Bỉ ngày 5-3. Ảnh: Reuters 

Lần đầu tiên kể từ khi căng thẳng leo thang sau cuộc chiến 5 ngày ở Gruzia tháng 8 năm ngoái, Nga - Mỹ vừa có cuộc gặp cấp cao với việc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tiếp xúc người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Genève (Thụy Sĩ) hôm 6-3. Sự kiện này diễn ra một ngày sau Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà ở đó NATO quyết định nối lại đàm phán với Nga. Theo Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer, các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nga - NATO sẽ sớm nhóm họp sau hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 60 năm thành lập NATO ở Pháp và Đức vào tháng tới.

NATO đã hoãn tất cả các cuộc tiếp xúc chính thức với Nga, cũng như bãi bỏ các cuộc họp Hội đồng Nga - NATO (thành lập năm 2002) sau cuộc xung đột tại Gruzia. Tuy nhiên, NATO đã sớm phải trả giá cho việc cắt đứt quan hệ với Nga. Phương Tây không thể giải quyết những vấn đề quan trọng trên thế giới mà không có sự hợp tác của Mát-xcơ-va.

Trong số những vấn đề toàn cầu, có hai “mặt trận” quan trọng mà NATO phụ thuộc vào sự hợp tác của Nga. Thứ nhất là cuộc chiến tại Afghanistan. Nếu không có tuyến đường cung cấp hậu cần thay thế, các lực lượng NATO ở Afghanistan gặp nhiều khó khăn do các đoàn xe qua Pakistan thường xuyên bị lực lượng nổi dậy Taliban tấn công, trong khi Kyrgyzstan (dưới sức ép của Nga) không tiếp tục cho Mỹ thuê căn cứ không quân Manas ở nước này, tuyến vận chuyển duy nhất của NATO tới Afghanistan qua Trung Á. Nhiều người cho rằng đó là ván cờ cao tay của Nga. Bởi trong thế không còn đường nào khác, NATO tất yếu sẽ nhượng bộ Mát-xvơ-va để “mượn đường” vào Afghanistan. Và NATO đã được phép đi qua lãnh thổ Nga trong tuần này. Với sự trợ giúp đó, Kremlin có điều kiện ngã giá trong các vấn đề gai góc như hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu hay việc mở rộng NATO sang phía Đông. Thực tế, tại cuộc họp của NATO hôm 5-3, Mỹ và Đức đã nhất trí gác lại vấn đề gia nhập NATO của Ukraina và Gruzia, đồng thời giục hợp tác với Nga như “một đối tác cân bằng trong các lĩnh vực lợi ích chung”. Mát-xcơ-va từng phàn nàn rằng không được đối xử theo nghị quyết thành lập Hội đồng Nga - NATO là 27 đồng minh chứ không phải 26 thành viên NATO + 1.

Thứ hai, nếu có bất kỳ hy vọng nào khác nhằm thuyết phục Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân, thì điều đó đến từ Nga, quốc gia hỗ trợ kỹ thuật giúp Tehran xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bushehr vừa được vận hành thử nghiệm. Do đó, Ngoại trưởng Clinton buộc phải làm nhẹ những khác biệt giữa NATO với Nga. Bà cho rằng đây là thời điểm khởi đầu mới cho các mối quan hệ song phương với Nga, và nhấn mạnh quyết định nối lại quan hệ với Nga không phải là sự nhượng bộ mà là một “cơ chế đối thoại” và “nền tảng cho sự hợp tác vì lợi ích của cả hai bên”.

N.MINH (Theo Times, BBC, Guardian)

Chia sẻ bài viết