07/03/2018 - 10:53

Vì sao hoạt động nhận con nuôi quốc tế giảm mạnh? 

Năm 2005 từng có gần 46.000 trẻ em được người nước ngoài nhận nuôi trên khắp thế giới, nhưng một thập niên sau, con số này chỉ còn 12.000 trường hợp, giảm 72%.

Khi quyết định ngừng cho phép trẻ em được nhận nuôi bởi người nước ngoài hồi tháng 1-2018, Ethiopia đã trở thành quốc gia mới nhất xóa bỏ hoặc giảm mạnh hoạt động này. Trong vài thập niên gần đây, những quốc gia từng cho con nuôi hàng đầu như Hàn Quốc, Romania, Guatemala, Trung Quốc, Kazakhstan và Nga cũng đã cấm hoặc giảm bớt việc chuyển đổi người chăm sóc quốc tế. Trong đó, Trung Quốc đã giảm 86% trường hợp người nước ngoài nhận nuôi trẻ em. Ngày nay, phần lớn trẻ được nhận nuôi đến từ Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ukraine.

 Một trường hợp nhận con nuôi Trung Quốc (phải). Ảnh: Global Times

Nguyên nhân đằng sau sự sụt giảm nói trên đã được đề cập trong quyển sách của các tác giả đến từ Đại học Grinnell (Mỹ).

Nguyên nhân đầu tiên là nỗ lực bảo vệ trẻ em. Khi các quốc gia có tỷ lệ “xuất khẩu” trẻ cao bất ngờ ngừng hoạt động này, giới chức của họ thường viện dẫn những trường hợp ngược đãi trẻ em. Theo họ, thay đổi chính sách là “lợi ích lớn nhất của trẻ em”. Điển hình như năm 2012, khi Quốc hội Nga bỏ phiếu thông qua đạo luật cấm trẻ em nước này được nhận nuôi bởi người Mỹ, các nhà lập pháp đã đặt tên quy định trên là Dima Yakovlev- đứa bé 2 tuổi thiệt mạng sau khi bị cha nuôi “bỏ quên” trong một chiếc xe hơi hồi năm 2008.

Ngoài ra, chính trị được cho đóng vai trò ngày càng lớn. Nga đã kết thúc chuyện trẻ em nước này làm con nuôi trong các gia đình người Mỹ sau khi đạo luật Magnitsky của Washington áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một số quan chức bị cho là tham nhũng ở xứ bạch dương. Trong khi đó, khi tìm cách gia nhập Liên minh châu Âu (EU) hồi đầu thập niên 2000, Romania ngừng tất cả hoạt động cho con nuôi mang yếu tố nước ngoài dù trước đó, trong các năm 1990 và 1991, Romania đã “xuất khẩu” hơn 10.000 trẻ em. Năm 2007, nước này chính thức trở thành thành viên EU. Còn đối với Guatemala, ngừng cho phép người nước ngoài nhận con nuôi được ca ngợi là “bước đi thay đổi hình ảnh về một quốc gia xuất khẩu trẻ em số một”. Guatemala đã giảm từ con số 4.100 trường hợp “xuất khẩu” trẻ em hồi năm 2008 xuống còn 58 trong năm 2010.

Tuy nhiên, bài viết trên báo Business Insider cũng nêu lên những bất lợi của việc không cho người nước ngoài nhận con nuôi. Cụ thể, khi đứa trẻ của một gia đình nghèo khó được nhận nuôi bởi cha mẹ ở đất nước giàu có, chúng sẽ hưởng được những lợi ích vật chất đáng kể, bao gồm nền giáo dục đầy đủ. Trong khi tỷ lệ biết đọc biết viết ở Ethiopia là 50% đối với nam và 23% đối với nữ, thì 100% người dân ở những quốc gia thu nhập cao nhất như Canada và Na Uy đều biết đọc. Bên cạnh đó, qua kiểm tra số liệu tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại Ethiopia và Guatemala, nhóm nghiên cứu còn nhận thấy làm con nuôi ở Mỹ nhiều khả năng đã cứu mạng của hơn 600 trẻ trong giai đoạn 2005-2011.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
nhận con nuôi