22/10/2016 - 17:08

Vì sao Hải quân Nhật tốt nhất châu Á?

Hải quân Nhật hiện có 45.800 binh sĩ và sở hữu 114 tàu chiến. Dù quy mô kém xa Hải quân Trung Quốc nhưng Hải quân Nhật được xem là tốt nhất châu Á bởi họ có một hạm đội tàu khu trục mạnh mẽ, tàu ngầm tấn công điện-diesel hiện đại, cũng như tàu đổ bộ có thể chở theo xe tăng và bộ binh.

Theo tờ National Interest, thành phần nòng cốt của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) là hạm đội gồm 46 tàu khu trục và khinh hạm, nhiều hơn cả của Anh và Pháp gộp lại. Được tổ chức thành các nhóm tàu hộ tống, hạm đội của MSDF có thể bảo vệ đất nước trước các cuộc xâm lược, tái chiếm vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và giữ các tuyến đường biển được lưu thông.

Tàu khu trục trực thăng JS Izumo của Nhật Bản. Ảnh: National Interest

Chiến hạm mặt nước mạnh nhất của MSDF là 4 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Kongo, gồm Kongo, Kirishima, Myoko và Chokai, tất cả được phát triển dựa theo tàu khu trục Flight I lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ. Tương tự như Arleigh Burke, trung tâm sức mạnh của Kongo là hệ thống chiến đấu Aegis có khả năng theo dõi và đối phó các mối đe dọa phòng không trong khu vực. Chỉ với hai tàu lớp Kongo là có thể cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo quốc gia cho toàn Nhật Bản. Hệ thống vũ khí trên tàu chủ yếu là phòng thủ với 90 giếng phóng tên lửa Mark 41, các tên lửa phòng không SM-2MR cùng tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3 Block IB. Ngoài ra, Kongo còn được trang bị một khẩu pháo hạng nặng, 8 tên lửa chống hạm Harpoon, 6 ống phóng ngư lôi chống tàu ngầm và 2 hệ thống vũ khí Phalanx.

Một tàu cỡ lớn khác của Hải quân Nhật Bản là tàu khu trục trực thăng JS Izumo, có trọng tải 27.000 tấn và chiều dài gần 250m. Izumo có thể mang theo tối đa 14 trực thăng vốn có khả năng tham gia vào sứ mệnh săn ngầm, dò mìn cũng như đối phó các cuộc tấn công trên không. Tàu thứ hai mang tên Kaga hiện đang được đóng mới.

Hạm đội tàu ngầm của Hải quân Nhật Bản MSDF cũng rất mạnh. Hiện MSDF đang xây dựng hạm đội gồm 22 tàu ngầm để đối phó với lực lượng Hải quân Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Hạm đội tàu ngầm của Nhật gồm 2 lớp là Oyashio và Soryu. Với trọng tải 4.100 tấn, Soryu là tàu ngầm lớn nhất của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến thứ hai. Việc sử dụng động cơ đẩy không phụ thuộc không khí Stirling giúp tàu hoạt động dưới đáy biển trong suốt hai tuần, đạt tốc độ 13 hải lý/giờ khi nổi và 20 hải lý/giờ khi lặn. Soryu được trang bị 6 ống phóng với 20 ngư lôi hạng nặng Type 89 cùng nhiều tên lửa chống hạm Harpoon.

Nhật Bản còn có 3 tàu đổ bộ lớp Osumi, có hình dáng giống như tàu sân bay cỡ nhỏ với boong tàu dài 130m. Osumi được thiết kế để nhanh chóng vận chuyển xe tăng của Lực lượng Phòng vệ mặt đất giữa các đảo lớn nhằm chống lại sự xâm lược của đối phương. Osumi có thể chở theo 1.400 tấn hàng hóa, 14 xe tăng Type 10 hoặc Type 90, 1.000 binh sĩ cùng tàu đổ bộ khí đệm LCAC do Mỹ phát triển để vận chuyển trang thiết bị nặng vào bờ.

Lý do cuối cùng khiến Hải quân Nhật Bản được xem là hiệu quả nhất châu Á là khả năng phản ứng nhanh. Trong trận động đất 9 độ Richter ngày 11-3-2011,  Phó Đô đốc Hiromi Takashima, tư lệnh Vùng Hải quân Yokosuka đã ngay lập tức được ủy quyền chỉ huy tạm thời toàn bộ MSDF. Ông đã lệnh cho các tàu nhanh chóng tới khu vực động đất để hỗ trợ. Theo đó, tàu đầu tiên rời cảng chỉ 45 phút sau động đất. Trong vòng 18 giờ sau đó, 17 tàu khác mang hàng cứu trợ cũng đã khởi hành tới vùng thiên tai.

TRÍ VĂN (Theo National Interest)

Chia sẻ bài viết