30/10/2009 - 22:02

Venezuela vướng nhiều “ải” vào Mercosur

Mối quan hệ thân tình giữa Tổng thống Lula Da Silva (phải) và Tổng thống Hugo Chavez vẫn chưa thể giúp Venezuela sớm gia nhập Mercosur. Ảnh: AFP

Với 12 phiếu thuận và 5 phiếu chống, Ủy ban quan hệ đối ngoại Thượng viện Brazil, ngày 29-10, đã thông qua đơn xin gia nhập khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) của Venezuela. Tuy nhiên, quyết định trên cần được Thượng viện phê chuẩn trước khi có hiệu lực. Đây là một trong nhiều ải mà Venezuela cần phải vượt qua trên đường vào Mercosur.

Tháng 7-2006, Venezuela được kết nạp vào khối thị trường chung gồm 4 nước thành viên Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay. Để chính thức là thành viên thứ 5, Venezuela cần được quốc hội các nước thành viên thông qua, nhưng từ đó đến nay chỉ có Uruguay và Argentina thực hiện điều này.

Tại Brazil, chính phủ và Hạ viện ủng hộ tiến trình gia nhập Mercosur của Venezuela nhưng “kẹt” lại ở Thượng viện. Tháng 5-2007, Thượng viện Brazil yêu cầu Venezuela xem lại việc cấp giấy phép cho kênh truyền hình đối lập RCTV. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez lập tức phản ứng bằng cách cáo buộc Quốc hội Brazil đang tiếp tay Mỹ chống Venezuela. Đáp lại, Thượng viện Brazil trì hoãn tới nay, dù cho Tổng thống Brazil Lula Da Silva nỗ lực vận động hậu trường.

Theo Tổng thống Da Silva, việc mở rộng Mercosur sẽ có lợi cho Brazil, đặc biệt là các bang phía Bắc. Brazil đã đạt thặng dư thương mại khoảng 5 tỉ USD/năm với Venezuela, và các nhà thầu Brazil nắm giữ 20 tỉ USD giá trị các dự án công trình công cộng ở Venezuela. Theo hãng tin Anh BBC, việc Ủy ban quan hệ đối ngoại Brazil thông qua đơn gia nhập Mercosur của Venezuela thời điểm này là để tránh gây khó xử cho Tổng thống Silva đang ở thăm Venezuela hôm 29 và 30-10, với các hợp đồng đầu tư và thương mại trị giá hàng chục tỉ USD, trong đó có liên doanh nhà máy lọc dầu ở bang Pernambuco, Đông Bắc Brazil.

Ngoài ra, để hợp nhất với Mercosur, Venezuela còn phải vượt nhiều “ải” khác, đặc biệt là từ Quốc hội Paraguay. Thượng viện Paraguay chưa có kế hoạch bàn thảo về vấn đề của Venezuela, do Liên minh yêu nước vì sự thay đổi của Tổng thống Fernando Lugo không chiếm đa số ở cả hai viện quốc hội nước này. Ông Lugo biết rằng sẽ khó được Quốc hội thông qua việc này, bởi Tổng thống Chavez cũng từng “chọc giận” Quốc hội Paraguay khi cáo buộc các thành viên bảo thủ ở Quốc hội Paraguay âm mưu lật đổ Tổng thống Lugo. Vụ việc này có thể trì hoãn lâu hơn tiến trình gia nhập Mercosur của Venezuela, có thể tới năm 2013, khi Paraguay diễn ra cuộc tổng tuyển cử mới.

Mercosur được thành lập vào tháng 3-1991 theo Hiệp ước Asuncion, với mục tiêu hợp tác kinh tế, chính trị và xã hội giữa các nước thành viên. Năm 1994, Hiệp ước Ouro Preto cho phép tổ chức này có quy chế quốc tế rộng hơn và chính thức hóa liên minh hải quan. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thị trường chung của khối hơn 270 triệu người này có tổng sản phẩm nội vùng hơn 2.400 tỉ USD/năm, chiếm hơn 3/4 hoạt động kinh tế toàn châu Mỹ. Brazil và Argentina là hai nền kinh tế lớn nhất Mercosur. Chile, Bolivia, Peru, Ecuador và Colombia hiện là quan sát viên, có thể tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhưng vẫn ở ngoài liên minh hải quan. Mercosur quy định các chính sách thuế xuất nhập khẩu và khối này có thể phân xử tranh cãi thương mại giữa các thành viên.

Về dài hạn, Mercosur hướng tới hình thành khu mậu dịch tự do châu lục và hình thành ngân hàng phát triển Mercosur. Các nước Nam Mỹ xem Mercosur có khả năng kết hợp các nguồn lực để đối trọng với các khối kinh tế toàn cầu khác, nhất là Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Liên minh châu Âu (EU).

N. KIỆT (Theo BBC, Reuters, EFE)

Mối quan hệ thân tình giữa Tổng thống Lula Da Silva (phải) và Tổng thống Hugo Chavez vẫn chưa thể giúp Venezuela sớm gia nhậ

Chia sẻ bài viết