Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (Cnooc) và tổ hợp sản xuất dầu mỏ Nexen của Canada ngày 23-7 đã thông báo thỏa thuận mua bán trị giá 15,1 tỉ USD mà nếu bên nào rút lui sẽ phải bồi thường số tiền lên đến 425 triệu USD. Đây là thỏa thuận thôn tính năng lượng hải ngoại lớn nhất và táo bạo nhất của “gã khổng lồ” quốc doanh Trung Quốc, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho phía Canada.
Cách đây 7 năm, Cnooc đã thất bại trong thương vụ trị giá 18,5 tỉ USD mua tổ hợp năng lượng Unocal của Mỹ vì sự phản đối kịch liệt của giới chính khách nước này và đó là một tiền lệ mà nhiều nước khác phải suy tính trước khi chấp nhận bán tài sản chiến lược của mình cho các công ty năng lượng khổng lồ từ Trung Quốc, nơi mỗi ngày tiêu thụ 9 triệu thùng dầu thô, chỉ sau Mỹ. Khoảng hai năm trước, nhà sản xuất hóa chất Sinochem của Trung Quốc cũng đã không thể mua được tập đoàn Potash Saskatchewan của Canada với cái giá mà liên doanh khai khoáng BHP Billiton của Anh-Úc chào mua lên tới 38,6 tỉ USD.
Lần này, nếu “tậu” được Nexen, Cnooc sẽ có cơ hội khai thác một số mỏ dầu ở Vịnh Mexico (Mỹ và khu vực Trung Mỹ), dầu cát của Canada tại tỉnh miền Tây Alberta, các mỏ dầu ngoài khơi ở khu vực Biển Bắc (thuộc Đại Tây Dương) và Nigeria. Sản lượng dầu mỏ ở hải ngoại của Cnooc sẽ tăng mạnh so với mức khoảng 1/5 tổng sản lượng 1 triệu thùng/ngày hiện nay của công ty này.
Giới phân tích cho rằng chính quyền Ottawa của Thủ tướng Stephen Harper cũng muốn bán bớt các công ty năng lượng của mình cho các đối tác ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, trong bối cảnh chính quyền Mỹ bất ngờ không chấp nhận mở rộng đường ống nhập khẩu dầu cát Keystone XL từ Alberta. Gần như tất cả sản lượng dầu xuất khẩu của Canada đều qua thị trường Mỹ và Ottawa không muốn quá phụ thuộc vào Washington khi sản lượng dầu khai thác của Canada đang tăng nhanh.
Cùng với thương vụ giữa Cnooc và Nexen, tập đoàn dầu khí hùng mạnh Sinopec của Trung Quốc ngày 23-7 đã đồng ý trả 1,5 tỉ USD mua 49% cổ phần tại khu vực Biển Bắc của công ty dầu mỏ Talisman Energy cũng của Canada. Hồi năm ngoái, Cnooc đã từng chi 2,1 tỉ USD để nắm giữ 35% cổ phần của công ty liên doanh dầu cát OPTI Canada, một đối tác đã bị phá sản của Nexen.
Theo nhận định của Thời báo New York (Mỹ), đây là thương vụ khó nói là mang lại hiệu quả đầu tư cho Cnooc, bởi họ phải trả cho Nexen mỗi cổ phần lên tới 27,50 USD, cao hơn 61% so với giá trị giao dịch phiên đóng cửa của Nexen hồi cuối tuần qua. Trước khi thông báo thỏa thuận mua bán, giá cổ phiếu của Nexen đã giảm khoảng 58% tính từ năm 2008. Sản lượng và lợi nhuận của công ty này đã tuột dốc mạnh từ nhiều năm nay, trong đó lợi nhuận chỉ tính riêng năm ngoái giảm 37%, tức 697 triệu USD.
Thương vụ này rõ ràng ẩn chứa nguy cơ thua lỗ lớn cho Cnooc. Có điều đây còn là vấn đề chính trị nhạy cảm tại Canada trước một đối tác mang mộng “bành trướng”, quyết tâm thâu tóm nguồn vàng đen trên khắp thế giới. Hơn nữa, dư luận cũng lo ngại sự non kém về kỹ năng và công nghệ của Cnooc có thể hủy hoại các mỏ dầu quốc tế mà tập đoàn sẽ khai thác. Thỏa thuận kiểu “ván bài ngửa” giữa Cnooc và Nexen xem ra đang làm khó cho các nhà quản lý và chính giới Canada.
ĐỨC TRUNG (Theo Nytimes, WSJ)