08/06/2020 - 09:43

U80 vào cuộc đua! 

Với chiến thắng tại Guam hôm 6-6, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chắc chắn trở thành gương mặt đại diện đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng khi vượt qua mốc 1.991 phiếu đại biểu cần thiết. Như vậy, chính khách kỳ cựu 78 tuổi sẽ "so găng" với đối thủ Cộng hòa nhỏ hơn 4 tuổi - đương kim Tổng thống Donald Trump - vào tháng 11 tới.

Một tin mừng nữa đối với Joe Biden là cách biệt giữa ông và Tổng thống Trump ngày càng lớn, theo thăm dò cuối tuần rồi của Hãng tin CNN. Cụ thể, tỷ lệ ủng hộ ông Biden hiện lên đến 51% so với 41% của ông Trump. Cách nay 2 tháng, con số đó lần lượt là 48% và 43%.

Việc ông Biden chính thức trở thành ứng viên đảng Dân chủ diễn ra giữa lúc nước Mỹ chìm trong các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối phân biệt chủng tộc sau vụ cảnh sát da trắng sát hại một người đàn ông da màu ở Minnesota. Đương nhiên ông Biden không thể bỏ qua yếu tố này khi mà lá phiếu của nhóm cử tri thiểu số luôn có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định ai sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Thế nên ông đã cam kết chọn một phụ nữ da màu để liên danh tranh cử. So với ông Trump, Joe Biden đang nhận được sự ủng hộ lớn hơn từ nhóm cử tri da màu. Một cuộc thăm dò gần đây của Fox News cho thấy chỉ có 14% người Mỹ gốc Phi ủng hộ Tổng thống Trump, so với 75% dành cho ông Biden. Có thể 2 nhiệm kỳ làm cấp phó cho Tổng thống da màu duy nhất của nước Mỹ Barack Obama cũng là một lợi thế của ông Biden.

Trong khi đó, chính quyền ông Trump ngoài việc đối phó các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc còn vất vả chống chọi đại dịch COVID-19, vốn đã lây nhiễm cho 2 triệu người Mỹ và cướp đi sinh mạng của 112 ngàn người tính tới chiều 7-6. Mỹ hiện là nước bị COVID-19 tác động nặng nề nhất, chiếm gần 1/3 tổng số nạn nhân trên toàn cầu, nên việc xuất hiện nhiều chỉ trích đối với hiệu quả của chiến lược chống dịch cũng là điều dễ hiểu. Việc ông Trump cắt đứt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì cho rằng cơ quan này bao che cho Trung Quốc giấu dịch cũng vấp phải sự phản đối trong lẫn ngoài nước.

Nhưng Tổng thống Trump còn có những con bài của riêng mình. Cuối tuần rồi, ông hoan hỷ tuyên bố nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong trạng thái "hồi phục mạnh mẽ", sau khi những số liệu mới nhất cho thấy sự phục hồi đáng kinh ngạc trên thị trường lao động vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của  COVID-19. Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng Năm vừa qua, hơn 2,5 triệu người  đã quay trở lại làm việc sau nới lỏng giãn cách xã hội, qua đó đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 13,3%. Trước đó từng có dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể lên tới 20%.

Và nếu như ông Biden chú tâm vào cử tri gốc Phi thì chiến dịch tái tranh cử của ông Trump lại nhắm vào cử tri gốc Á-Thái Bình Dương (AAPI) với kế hoạch có tên "Người Mỹ gốc Á-Thái Bình Dương ủng hộ Tổng thống Trump". Thật ra, đây là cách ông Trump xoa dịu nhóm cử tri cảm thấy bị phân biệt đối xử khi ông gọi virus gây COVID-19 là "virus Trung Quốc". AAPI có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ, từng bầu cho bà Hillary Clinton với tỷ lệ 65-27 so với ông Trump hồi năm 2016.

Tình hình hiện nay cho thấy đường vào Nhà Trắng của Joe Biden dường như có vẻ hanh thông hơn. Nhưng dù ông Trump tiếp tục tại vị thêm 4 năm nữa hay Joe Biden trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ thì cuộc bầu cử năm nay cũng đi vào lịch sử xứ cờ hoa khi cả hai ứng viên đều qua tuổi "xưa nay hiếm" từ rất lâu.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết