Ngân hàng Trung ương Síp vừa thông báo tất cả các tài khoản hơn 100.000 euro tại Ngân hàng Síp (BoC) - ngân hàng lớn nhất của nước này sẽ phải chịu mất 60% vốn, lớn hơn nhiều so với dự đoán ban đầu là từ 30-40%. Theo thông báo, 37,5% khoản tiền tiết kiệm trong những tài khoản trên 100.000 euro sẽ được chuyển thành cổ phiếu ngân hàng và 22,5% khác sẽ tạm thời được giữ lại nhằm đảm bảo rằng ngân hàng này đáp ứng được các điều kiện tái cấu trúc vốn. 40% số tiền còn lại trong các tài khoản trên sẽ "tạm bị đóng băng" nhằm đáp ứng khả năng thanh toán đang trong tình trạng rất khó khăn hiện nay ở Síp. Trước đó, chính quyền Síp quy định các cá nhân và doanh nghiệp chỉ được rút lần lượt 300 euro và 5.000 euro/ngày trong cái gọi là sự kiểm soát tư bản lần đầu tiên được áp dụng tại một quốc gia Khu vực đồng euro (Eurozone) sau 14 năm ra đời.
Theo giáo sư kinh tế Sofronis Clerides của Đại học Síp, cái thiệt hại lớn nhất trong động thái chưa từng có nói trên là ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của doanh nghiệp. "Với việc kinh doanh bị giảm sút, Síp có thể lâm vào cuộc suy thoái thậm chí còn sâu sắc hơn so với hiện nay" - ông Clerides cảnh báo, đồng thời cáo buộc một số nước lớn châu Âu muốn đánh sập "thiên đường tài chính" quốc tế của Síp. Nhà khoa học chính trị Antonis Ellinas của Đại học Síp dự báo tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 15% của nước này có khả năng sẽ "lên cao chót vót"trong vài năm tới.
Để nhận được gói cứu trợ trị giá 10 tỉ euro của "bộ ba" chủ nợ Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Síp đã phải đồng ý xóa sổ ngân hàng lớn thứ hai Laiki và sáp nhập vào BoC. Tư hữu hóa các tài sản nhà nước, tăng thuế doanh nghiệp từ 10% lên 12,5%, chấp nhận hoạt động thanh tra độc lập về chống rửa tiền, thu nhỏ và áp dụng quy chuẩn về ngân hàng của Liên minh châu Âu (EU)... Mục tiêu trước mắt mà Síp phải đạt được là kiếm thêm 5,8 tỉ euro nhằm tái cơ cấu các khoản nợ công 16 tỉ euro sắp đáo hạn. Theo các nhà phân tích, khi thực hiện tất cả những điều kiện đó, Síp sẽ phải thay đổi mô hình phát triển chỉ dựa vào công nghiệp nhẹ và dịch vụ (du lịch, tài chính) vốn chiếm đóng góp tới 80% GDP và cung cấp 70% tổng số việc làm cho người lao động ở nước này.
Nhà kinh tế Stelios Platis cho rằng kế hoạch "giải cứu" như vậy là "hoàn toàn sai lầm" và chỉ trích một số nước châu Âu cố tình "lồng ghép" Laiki vào BoC. "Châu Âu đã không để xảy ra thảm họa (việc Síp từ bỏ đồng euro), nhưng họ đẩy nước này từ thiên đường xuống địa ngục" - một chủ tiệm bán quần áo ở Thủ đô Nicosia phê phán. Viễn cảnh giới đầu tư tài chính quốc tế cao chạy, kinh tế suy thoái, thất nghiệp tăng nhanh và bất ổn xã hội bùng phát đang là nỗi ám ảnh của người dân Síp.
KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters)