17/05/2010 - 08:16

Từ hy vọng đến thất vọng

Ông Hatoyama đang ở thời điểm hết sức khó khăn. Ảnh: AP

Nếu so với tỷ lệ ủng hộ cao chót vót hơn 70% khi nhậm chức hồi tháng 9-2009 thì con số 19,1% vừa được hãng thông tấn Jiji đưa ra quả là hồi chuông báo động cho nội các của Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama. Như vậy là chỉ trong vòng 8 tháng, từ một trong những thủ tướng được yêu mến nhất, ông Hatoyama đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong lịch sử xứ sở hoa anh đào.

Có lẽ thất vọng của người dân lớn như vậy là do họ từng đặt quá nhiều hy vọng vào Thủ tướng Hatoyama. Tháng 8 năm ngoái, tức chỉ sau 3 tháng đảm nhiệm chức chủ tịch đảng Dân chủ (DPJ), ông Hatoyama đã xuất sắc đưa DPJ giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện, chấm dứt hơn nửa thế kỷ cầm quyền gần như liên tục của đảng Dân chủ Tự do (LDP). Lúc đó, đất nước Phù Tang háo hức chào đón vị tân thủ tướng mà họ hy vọng sẽ thổi luồng sinh khí mới vào sân khấu chính trị lâu nay do LDP độc diễn, cũng như nền kinh tế tuy vẫn lớn thứ hai thế giới nhưng đang tỏ ra ì ạch.

Thế nhưng, chưa hết 100 ngày trăng mật, uy tín của ông Hatoyama đã bắt đầu sụt giảm khi người ta phát hiện gần 4 triệu USD được báo cáo là do các doanh nghiệp và cá nhân đóng góp cho DPJ thực chất là do mẹ ông, một phụ nữ giàu có, tài trợ. Trong vụ này một thư ký của ông bị kêu án tù. Ngài thủ tướng không bị truy tố nhưng dĩ nhiên sự ủng hộ của công chúng đối với ông đã “bay đi ít nhiều”. Rồi tới lượt nhân vật số hai của DPJ, Tổng thư ký Ichiro Ozawa dính vào một xì-căng-đan tài chính khác. Cơ quan công tố cho rằng tổ chức gây quỹ của ông Ozawa không chứng minh được nguồn gốc số tiền hơn 4,4 triệu USD dùng mua một mảnh đất ở Thủ đô Tokyo hồi năm 2004. Trong vụ này Tổng thư ký Ozawa bị thẩm vấn, còn ba trợ lý của ông bị bắt. Thủ tướng Hatoyama đã phải vất vả chở che cho đồng minh trước làn sóng đòi ông này từ chức.

Nhưng chỉ các vụ bê bối tiền nong thôi thì chưa đủ sức khiến uy tín của Thủ tướng Hatoyama tuột dốc không phanh như vậy, mà còn có sự bất nhất về chính sách đối ngoại. Trong quá trình vận động tranh cử, ông cam kết sẽ xây dựng mối quan hệ bình đẳng hơn với Mỹ, trong đó có việc di dời toàn bộ căn cứ không quân Futenma ra khỏi đảo Okinawa, thậm chí ra khỏi lãnh thổ Nhật. Rồi ông tự đặt ra thời hạn chót là cuối tháng 5-2010 sẽ giải quyết xong vụ việc. Thế nhưng trước sự phản đối của Washington, mới đây, ông đã rút lại cam kết này và đề nghị di dời một phần căn cứ Futenma tới khu vực khác trên đảo Okinawa, một phần chuyển sang đảo Tokunoshima cách đó khoảng 200 km. Quyết định trên đã làm dấy lên sự phản đối của dân chúng, nhất là ở Okinawa và Tokunoshima. Thăm dò của Jiji cho thấy có tới 49,2% số người được hỏi cho rằng Thủ tướng Hatoyama nên từ chức nếu không giải quyết được vấn đề Futenma trong tháng 5. Trong khi đó, theo nhật báo Sankei Shimbun, trong cuộc họp nội các ngày 14-5, Chính phủ Nhật quyết định sẽ lùi thời hạn chót cho tới tháng 11 năm nay khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Tokyo.

Thật ra, không phải là ở Nhật chưa từng có nội các nào có tỷ lệ ủng hộ dưới ngưỡng 20% (tỷ lệ ủng hộ chính phủ của cựu Thủ tướng Taro Aso có lúc chỉ còn 15% trước khi phải từ chức hồi tháng 9 năm ngoái), nhưng có lẽ hiếm có vị thủ tướng nào mà uy tín lại giảm nhanh như trường hợp ông Hatoyama. Phải chăng dân Nhật đã quá hy vọng để rồi giờ đây thất vọng?

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết