14/12/2007 - 21:07

Từ hội nghị Bali nhìn về Nghị định thư Kyoto (kỳ 3)

Kỳ 1: Biến đổi khí hậu và sự ra đời của Nghị định thư Kyoto
Kỳ 2: Sôi động thị trường mua bán hạn ngạch khí thải


Kỳ 3: Tìm kiếm cơ chế mới tiếp nối Nghị định thư Kyoto

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu ở Bali (Indonesia) sẽ kết thúc vào ngày mai 14-12 sau 2 tuần thảo luận. Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC, tổ chức chia giải Nobel Hòa bình năm 2007 với cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore) được các đại biểu nhất trí xem là cơ sở cho các cuộc đàm phán về Lộ trình Bali. Báo cáo của 2.500 nhà khoa học này không những cung cấp các bằng chứng thuyết phục về sự biến đổi khí hậu, mà còn nhấn mạnh những mối nguy hiểm trước mắt. Thế giới không thể đợi tới năm 2020 hoặc 2050 mới hành động quyết liệt, mà phải triển khai ngay vào năm 2015 nếu muốn tránh nguy cơ môi trường sống thay đổi. Hội nghị Bali tuy chưa đạt được thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto, nhưng mở đường cho một hiệp ước mới ra đời tại hội nghị Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 2009.

 

Kỷ niệm 10 năm ra đời của Nghị định thư Kyoto tại Bali ngày 11-12. Ảnh: AFP 

Tuy nhiên, mọi việc không phải hoàn toàn “thuận buồm xuôi gió”. Đề xuất áp đặt lộ trình cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính bắt buộc đối với các quốc gia đang phát triển vấp phải sự phản đối của nhiều nước. Trung Quốc dựa vào tỷ lệ lượng khí thải bình quân đầu người hiện tại của nước này chỉ bằng 1/6 so với Mỹ để phản đối việc cắt giảm khí thải. Ngoài ra, Bắc Kinh còn cho rằng họ đang trong quá trình phát triển nên cần có nhiều nhà máy để giúp nền kinh tế tăng trưởng, đảm bảo xóa đói giảm nghèo. Còn một quan chức Ấn Độ thì cho rằng các nước đang phát triển nên được miễn trừ các mục tiêu ràng buộc về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bất kỳ hiệp ước mới nào trên toàn cầu đến năm 2012 sau khi giai đoạn đầu của Nghị định thư Kyoto hết hạn. Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước đang phát triển khác muốn các nước công nghiệp phải cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn, cũng như tiếp tục duy trì mô hình Nghị định thư Kyoto. Trong khi đó, Mỹ yêu cầu các nước đang phát triển nhanh phải có những cam kết tương tự như các nước công nghiệp (Mỹ từng vịn vào lý do này để từ chối phê chuẩn Nghị định thư Kyoto). Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Harlan Watson nói thẳng rằng Washington sẽ không cam kết thực hiện các chỉ tiêu của Lộ trình Bali, thay vào đó sẽ đưa ra kế hoạch cắt giảm khí thải cho riêng mình vào giữa năm 2008. Theo dự thảo Lộ trình Bali, đến năm 2020 các nước giàu phải cắt giảm 25-40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990.

Thực hiện cam kết đối với Nghị định thư Kyoto, nhiều nước phát triển mà dẫn đầu là các quốc gia châu Âu và Nhật Bản đang tích cực hành động để giảm lượng khí CO2 thải ra. Một số nước không thực hiện kịp phải mua hạn ngạch phát thải của các nước đang phát triển. Một số nước trước đây từ chối tham gia Nghị định thư Kyoto, như Australia chẳng hạn, giờ đây cũng trở nên hăng hái trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, sẽ khó hạn chế được nhiệt độ Trái đất tăng lên nếu 3 nước có lượng khí thải nhiều nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ không hợp tác. Xem ra con đường đi tới một hiệp ước mới thay thế Nghị định thư Kyoto theo Lộ trình Bali không dễ dàng chút nào.

N.MINH (Theo Guardian, Bloomberg, Reuters)

Chia sẻ bài viết