23/04/2008 - 23:46

Từ chuyện trả lại 100 triệu đồng...

Hai ngày qua, một thông tin trên nhiều tờ báo thu hút sự chú ý của nhiều người là chuyện ông Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau giao nộp cho tổ chức 100 triệu đồng mà ông cho rằng số tiền này là của một cán bộ cấp dưới gửi người nhà của ông để lo lót, nhờ “chạy” quyền, “chạy” chức. Cùng ngày 22-4 (ngày nhiều tờ báo khởi đăng thông tin về sự kiện này), trên báo Người Lao Động còn có một thông tin khác cũng về chuyện trả lại 100 triệu đồng. Đó là chuyện tài xế taxi Trịnh Tuấn Kiệt của Tập đoàn Mai Linh phát hiện hành khách để quên trên xe taxi 100 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ nhà đất quan trọng khác. Và anh Kiệt đã báo công ty để trả lại cho người bị mất.

Hai chuyện trên đều giống nhau ở chỗ là người được lo tiền (ông Bí thư Tỉnh ủy) và người phát hiện được tiền bị bỏ quên (anh tài xế) đều không nhận số tiền không nhỏ (100 triệu đồng); họ đều đem giao nộp cho tổ chức hoặc thông báo để trả lại cho người bị mất. Nhưng cũng từ sự giống nhau đó người ta lại nhận thấy ở đây có nhiều sự khác biệt rất đáng suy nghĩ.

Hầu như một số tờ báo đều giật tít về chuyện ông Bí thư Tỉnh ủy không nhận 100 triệu đồng tiền chạy chức, chạy quyền ở trang 1; còn cái tít anh tài xế trả lại khách hàng 100 triệu đồng thì “khiêm tốn” nằm ở trang trong. Như vậy, rõ ràng chuyện ông Bí thư Tỉnh ủy giao trả tiền lo chạy chức là chuyện hy hữu, “xưa nay hiếm”; còn chuyện tài xế phát hiện khách hàng bỏ quên tiền rồi trả xem ra... không có gì mới. Anh tài xế tự giác khai báo với công ty chuyện khách hàng bỏ quên tiền là hành vi tự giác, xuất phát từ truyền thống dân tộc “Đói cho sạch, rách cho thơm” và từ một chuẩn mực đạo đức của con người: không tham lam. Còn chuyện ông Bí thư Tỉnh ủy giao trả lại 100 triệu đồng thì hé lộ cho người ta thấy nhiều chuyện bức xúc về tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức của người cán bộ – nhất là đạo đức công vụ. Và nếu đúng như một số báo đã đưa tin ban đầu, thì vẫn còn một điều gì đó đáng nghi vấn khi ông Bí thư Tỉnh ủy, dù đã giao tiền nhưng vẫn chưa thể công khai với tổ chức danh tính người chạy chức? Vậy còn gì khuất tất đằng sau chuyện giao nộp tiền cho tổ chức?

Trong khi chờ đợi câu trả lời của các cơ quan chức năng thì nhiều người lại tiếp tục đặt ra hàng loạt câu hỏi. Phải chăng chỉ có ở Cà Mau mới có chuyện lo lót để chạy chức, chạy quyền như thế? Từ trước đến giờ có bao nhiêu cán bộ lãnh đạo đem trả lại tiền hối lộ chức quyền cho tổ chức như ông Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau? Bao nhiêu cán bộ trong quá trình sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước, bố trí lại tổ chức đã lo lót để giữ ghế và lo lót cho những ai? Những cán bộ nào đã chấp nhận ăn tiền đút lót để đưa những người “bất liêm”, “bất chính” vào bộ máy của Đảng, của Nhà nước? Những kẻ nhận tiền đút lót để giúp cấp dưới “chạy” chức “chạy” quyền và những kẻ đút lót cấp trên để có chức có quyền, một khi đã đạt được mục đích của mình thì liệu có thể trở thành công bộc của dân đúng nghĩa?

Cùng với “chạy” bằng cấp, “chạy” dự án, “chạy” tội, “chạy” nhà đất... thì xem ra trong xã hội ta hiện nay nạn “chạy” chức “chạy” quyền vẫn không thuyên giảm, dù nó đã bị lên án gay gắt. Nhiều cán bộ (biến chất) xem đây là một kiểu đầu tư (hay đầu cơ) chức quyền. Mỗi “cái ghế” có một giá. Khi đã “bỏ vốn” ra ắt họ phải tìm cách “thu hồi vốn”. Mỗi nhiệm kỳ công tác đều có hạn định. Vì thế, nếu đã “chạy” được “ghế” thì ắt phải lo giữ, lo để “leo” cao hơn; đồng thời cũng phải tích cực “ăn” của cấp dưới để “gỡ vốn”, “kiếm lời” và đề phòng khi “thất cơ lỡ vận”, “hết nhiệm kỳ”... Cái chuỗi tha hóa ấy, nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu sẽ tiếp tục lây lan như một thứ “dịch”- “dịch chức quyền”. Hậu quả của nó là làm suy giảm vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, làm hại cho dân, cho nước. Đó là nguy cơ!

Cả nước đang đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Những tấm gương như của tài xế Trịnh Tuấn Kiệt rất cần được nhân rộng ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, chuyện ông Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau trả lại tổ chức tiền lo chức, “chạy” quyền lại thêm một tiếng chuông báo động, một lời cảnh tỉnh về việc phải tăng cường giáo dục, kiểm tra, giám sát về tình trạng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên có chức có quyền. Quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, trong công tác cán bộ cũng là một biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh đạo đức trong đội ngũ công bộc của dân.

GIA HUY

Chia sẻ bài viết