08/02/2023 - 23:00

Trung Quốc vượt Mỹ về số bệ phóng ICBM 

HẠNH NGUYÊN (Theo WSJ, CNN)

Quân đội Mỹ gần đây thông báo trước Quốc hội rằng Trung Quốc hiện có số lượng bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiều hơn Mỹ, châm ngòi cuộc tranh luận về cách ứng phó của Washington đối với kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh.

Tên lửa DF-41 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc. Ảnh: Business Insider

“Tính đến tháng 10-2022, số bệ phóng ICBM cố định và di động trên bộ của Trung Quốc vượt quá số bệ phóng ICBM của Mỹ”, Tướng Anthony Cotton, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (STRATCOM), nhấn mạnh trong thư gửi cho các Ủy ban Quân lực Thượng viện và Hạ viện.

Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 7-2, nhóm lãnh đạo Cộng hòa tại 2 ủy ban quân lực lưỡng viện đã mô tả bức thư nói trên là “hồi chuông cảnh tỉnh cho Mỹ”. “Chương trình hiện đại hóa hạt nhân của Trung Quốc đang tiến triển nhanh hơn nhiều người nghĩ. Chúng ta không có thời gian để lãng phí trong việc điều chỉnh thế trận lực lượng hạt nhân để răn đe cả Nga và Trung Quốc. Ðiều này có nghĩa chúng ta cần số lượng lớn hơn và những năng lực mới”, tuyên bố nêu rõ.

Bàn cách đối phó

Theo các chuyên gia, nhiều bệ phóng của Trung Quốc chỉ là những hầm chứa rỗng và thông báo của STRATCOM lại không bao gồm máy bay ném bom tầm xa và tàu ngầm, hai khía cạnh mà Mỹ chiếm ưu thế rõ rệt. Tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa lưu ý bệ phóng ICBM là điềm báo về mức độ tham vọng tên lửa tầm xa hơn của Trung Quốc và thúc giục Mỹ mở rộng lực lượng hạt nhân để đối phó các lực lượng Nga và Trung Quốc.

Nghị sĩ Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện, cho rằng những hạn chế đối với lực lượng tầm xa nêu trong hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga (New START) đang cấm Washington nâng cấp kho vũ khí. New START, văn kiện mà Trung Quốc không tham gia, sẽ hết hạn vào năm 2026.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden thừa nhận thách thức mà các đối thủ được trang bị vũ khí hạt nhân đặt ra là phức tạp và muốn Mỹ đối phó thách thức bằng cách sử dụng các thỏa thuận kiểm soát vũ khí cũng như nâng cấp lực lượng hạt nhân. Trong báo cáo Ðánh giá tình hình hạt nhân 2022 công bố hồi tháng 10, Lầu Năm Góc cảnh báo rằng đến những năm 2030, Mỹ “sẽ lần đầu tiên trong lịch sử đối mặt với 2 cường quốc hạt nhân là đối thủ chiến lược và đối thủ tiềm tàng”.

Washington vẫn có lợi thế về hạt nhân

ICBM là thành phần chính trong bộ ba hạt nhân của Mỹ, gồm các hệ thống vũ khí răn đe hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển. Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đã bố trí 400 “ống phóng cứng dưới lòng đất”, bên cạnh 50 ống phóng “được giữ trong tình trạng ấm”. Xứ cờ hoa còn có hơn 12 tàu ngầm với khả năng phóng tên lửa đạn đạo và phi đội máy bay ném bom có thể trang bị vũ khí hạt nhân. Mỹ hiện sở hữu hơn 5.000 đầu đạn hạt nhân (nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Nga), trong đó 1.644 đầu đạn đang được triển khai.

Trong khi đó, Trung Quốc có hơn 400 đầu đạn hạt nhân. Mặc dù chênh lệch số đầu đạn hạt nhân giữa hai bên là đáng kể, Lầu Năm Góc hồi tháng 11-2022 cho biết Trung Quốc đang phát triển kho dự trữ hạt nhân với tốc độ rất nhanh và có thể đạt khoảng 1.500 đầu đạn vào năm 2035 nếu vẫn duy trì tốc độ này. Ngoài việc vận hành nhiều bệ phóng ICBM di động, Trung Quốc còn có khoảng 20 tên lửa nhiên liệu lỏng trong hầm chứa. Nước này cũng bị nghi là đang xây dựng 300 hầm chứa ICBM mới tại 3 địa điểm để cất giữ các tên lửa hiện đại sử dụng nhiên liệu rắn, chẳng hạn như DF-41.

Chia sẻ bài viết