08/12/2020 - 08:57

Trung Quốc vượt lên trên thị trường vũ khí toàn cầu 

Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã vượt qua Nga cùng nhiều quốc gia châu Âu để trở thành nước bán vũ khí nhiều thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Mỹ.

Các mẫu vũ khí của AVIC (Trung Quốc) tại một triển lãm. Ảnh: VCG

Các mẫu vũ khí của AVIC (Trung Quốc) tại một triển lãm. Ảnh: VCG

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) trong báo cáo hôm 6-12 cho biết doanh số vũ khí, dịch vụ quân sự năm 2019 của 25 tập đoàn quốc phòng hàng đầu thế giới đạt 361 tỉ USD, tăng 8,5% so với năm 2018 và cao gấp 50 lần ngân sách hàng năm dành cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Mỹ tiếp tục thống trị thị trường toàn cầu khi có 12 nhà thầu quốc phòng nằm trong danh sách nói trên, chiếm 61% giá trị với tổng doanh thu 221,2 tỉ USD.

Xếp sau Mỹ là Trung Quốc, chiếm 16% tổng doanh số. Đáng chú ý là có 4 nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc lần đầu được vào bảng xếp hạng với 3 trong số này thuộc top 10, bao gồm Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc (CETC) và Tập đoàn công nghiệp Phương Bắc (NORINCO). Còn lại Tập đoàn công nghiệp Phương Nam (CSGC) xếp vị trí thứ 24.

Tính chung, doanh thu của 4 công ty nói trên hồi năm ngoái tăng 4,8%, đạt 56,7 tỉ USD. Theo Giám đốc chương trình chi tiêu quân sự và vũ khí của SIPRI Lucie Beraud-Sudreau, Trung Quốc là một trong những quốc gia có chi tiêu quân sự lớn nhất toàn cầu. Do đó, mức tăng này phù hợp với việc các công ty đại lục đang hưởng lợi kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu triển khai kế hoạch cải cách, hiện đại hóa quân đội vào năm 2015. Thống kê của SIPRI không bao gồm  những doanh nghiệp lớn Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu, sản xuất tên lửa do họ không công khai số liệu. Thực tế, nhóm nghiên cứu cho rằng có thể có một số công ty Trung Quốc khác đủ lớn để đưa vào danh sách.

Dù sao nếu so với sự thiếu minh bạch trước đây, SIPRI cho rằng nhờ lượng thông tin ngày càng nhiều từ các công ty quốc phòng mà thế giới có thể đưa ra ước tính đáng tin cậy về quy mô ngành sản xuất vũ khí của Trung Quốc. Theo báo cáo công bố hồi tháng 11 của Đại học Pennsylvania và Đại học Texas A&M của Mỹ, Bắc Kinh là nhà xuất khẩu thiết bị không người lái hàng đầu thế giới cùng với các loại khí tài khác như tàu ngầm, máy bay chiến đấu, súng trường tấn công và đạn dược. Trong đó, dữ liệu của SIPRI năm 2019 ước tính Trung Quốc suốt 12 năm qua đã bán khoảng 16,2 tỉ đơn vị đạn dược với khách hàng chủ yếu ở Trung Đông, một số quốc gia châu Á khác và châu Phi.

Theo các chuyên gia quân sự, vũ khí Trung Quốc ngoài mức giá rẻ thì còn cạnh tranh nhờ không đòi hỏi điều kiện chính trị đi kèm. Xu hướng này thúc đẩy vị thế Trung Quốc trong buôn bán vũ khí toàn cầu cùng với việc Bắc Kinh không phải là bên ký kết thỏa thuận “Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa” (MTCR) năm 1987 nhằm ngăn ngừa sự phổ biến các tên lửa có khả năng mang vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhiều nước phương Tây gần đây bắt đầu coi Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng về mặt quân sự. Một báo cáo về cải cách Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuần rồi còn kêu gọi liên minh này suy xét cẩn trọng hơn cách đối phó Trung Quốc như một “thế lực quân sự toàn cầu”.

Danh sách 25 tập đoàn quốc phòng hàng đầu năm nay lần đầu tiên ghi nhận đại diện Trung Đông là EDGE Group ở vị trí thứ 22. Đây là tập đoàn quân sự thành lập sau đợt sáp nhập hơn 25 doanh nghiệp của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Nga cũng có hai công ty nằm trong top 25, gồm Almaz-Antey ở vị trí thứ 15 và United Shipbuilding xếp thứ 25.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, WSJ)

Chia sẻ bài viết