27/10/2018 - 09:48

Trung Quốc “ve vãn” ứng viên tổng thống Brazil 

Chính phủ Trung Quốc được cho đang nỗ lực làm hòa với ông Jair Bolsonaro (ảnh) thuộc đảng Tự do Xã hội bởi những chỉ trích của ông này có nguy cơ đe dọa quan hệ thương mại song phương.

Ảnh: breakingnewsuk

Thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Brazil năm ngoái đạt mức 75 tỉ USD, theo số liệu thống kê của Chính phủ Brazil. Kể từ năm 2003, Trung Quốc đã đầu tư 124 tỉ USD vào Brazil, chủ yếu ở các lĩnh vực dầu mỏ, khai khoáng và năng lượng. Bắc Kinh cũng háo hức rót vốn cho các dự án đường sắt, cảng biển và cơ sở hạ tầng khác tại Brazil để tăng tốc quá trình vận chuyển ngũ cốc. Ngũ cốc và khoáng sản Brazil không chỉ giúp hàng triệu người dân nước này thoát nghèo, mà còn đóng góp vào “sự trỗi dậy” của Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Brazil. Lĩnh vực nông nghiệp Brazil được cho hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung. Trong đó, xuất khẩu đậu nành của Brazil sang Trung Quốc đã tăng 22% giá trị trong năm nay và hiện khoảng 80% lượng đậu nành Brazil có đích đến là Trung Quốc.

  Tuy nhiên, ứng viên cực hữu Bolsonaro lại xem đối tác châu Á này là quốc gia muốn thống lĩnh các lĩnh vực chủ chốt của kinh tế Brazil. Nhân vật có biệt danh “Donald Trump của Brazil” liên tục chỉ trích Bắc Kinh, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc không được phép sở hữu đất hoặc kiểm soát các ngành công nghiệp quan trọng. Dù hài lòng với việc Trung Quốc mua hàng hóa Brazil, nhưng ông Bolsonaro lo ngại hoạt động “thâu tóm” gần đây trong các lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng của Brazil. Điển hình như năm 2016, Tập đoàn Tam Hiệp của Trung Quốc đã trả gần 1,5 tỉ USD để được quyền điều hành 2 con đập lớn nhất ở Brazil. Năm ngoái, tập đoàn điện lưới quốc doanh State Grid mua lại cổ phần của tập đoàn phân phối điện CPFL Energia SA của bang Sao Paulo và một công ty con trị giá 4,9 tỉ USD. Tập đoàn HNA Airport Holding cũng làm điều tương tự đối với sân bay nhộn nhịp thứ hai của Brazil.

Bên cạnh đó, ông Bolsonaro còn muốn bảo vệ tài nguyên chiến lược của Brazil, chẳng hạn như dầu mỏ và khoáng chất, trước sự dòm ngó của các nước khác, nên ưu tiên cho những công ty quốc doanh phát triển. Cách đây 2 năm, vị này nổi giận khi công ty Trung Quốc Molybdeum (CMOC) mua lại mỏ niobium, chỉ cách công ty khai thác đất hiếm Companhia Brasileira de Metalurgie de Mineracao (CBMM) của Brazil hơn 200km. Thậm chí, liên doanh 5 công ty khác của Trung Quốc cũng đã nắm giữ 15% cổ phần CBMM, nhưng không chia sẻ công nghệ với các cổ đông nhỏ. Bolsonaro được cho là ứng viên tổng thống đầu tiên chọn niobium làm chủ đề tranh cử. Ông tin rằng khoáng chất này có thể giúp Brazil độc lập về kinh tế. Niobium dùng trong sản xuất thép chất lượng cao, phục vụ cho việc chế tạo xe hơi và các sản phẩm khác.

Brazil dự kiến đấu thầu một số tài sản chính phủ trong năm tới. Trong khi đó, chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Michel Temer muốn tư nhân hóa công ty năng lượng Eletrobras do nhà nước quản lý. Tuy nhiên, ông Bolsonaro phản đối việc bán tài sản Eletrobras vì lo ngại nó sẽ đẩy Brazil vào “vòng tay” nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Do quan điểm cứng rắn trên mà trong những tuần gần đây, một số nhà ngoại giao Trung Quốc tại Thủ đô Brasilia đã phải 2 lần tìm gặp các cố vấn của ông Bolsonaro, bao gồm cố vấn kinh tế hàng đầu Paulo Guedues và giám đốc chiến dịch tranh cử Onyx Lorenzoni. Các nhà ngoại giao Trung Quốc còn muốn gặp đích thân ông Bolsonaro. Bắc Kinh càng phải sốt sắng như vậy bởi vì chính khách 63 tuổi này được dự báo sẽ giành chiến thắng vang dội tại vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Brazil vào ngày  mai 28-10.

Cuộc khảo sát công bố hôm 25-10 cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Bolsonaro là 56%, so với 44% của đối thủ Fernando Haddad thuộc đảng Lao động.

THANH BÌNH (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết