14/05/2018 - 07:25

Trung Quốc thử nghiệm tàu sân bay tự chế 

Tân Hoa xã hôm 13-5 cho biết tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc đã rời xưởng đóng tàu ở Đại Liên trong sáng cùng ngày để bắt đầu hành trình chạy thử nghiệm.

 Ảnh: SCMP
 Ảnh: SCMP

Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc Type 001A (ảnh) rời khu xưởng vào khoảng 7 giờ sáng. Cục Hải sự tỉnh Liêu Ninh đã ra lệnh phong tỏa khu vực Biển Hoàng Hải trong thời gian diễn ra các hoạt động quân sự từ ngày 13 đến trưa 19-5. Thời báo Hoàn cầu trích lời chuyên gia quân sự Song Zhongping cho biết hoạt động kiểm tra tập trung vào những hệ thống cơ bản của tàu bao gồm năng lượng, thông tin liên lạc, an toàn cháy nổ và điện cơ. Hệ thống vũ khí và năng lực tác chiến sẽ được thử nghiệm sau khi tàu chính thức bàn giao cho hải quân.

Type 001A có lượng giãn nước 70.000 tấn, dài 315m, rộng 75m và trang bị động cơ diesel. Tàu được hạ thủy hồi tháng 4-2017 và sẽ sớm được biên chế vào cuối năm nay thay vì năm 2019 như kế hoạch ban đầu. Type 001A thực tế là phiên bản nâng cấp của Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất đang hoạt động của Trung Quốc, thuộc lớp Kuznetsov do Liên Xô cũ chế tạo và được Bắc Kinh mua lại từ Ukraine. Một nhóm chuyên gia hải quân cho biết đội ngũ thiết kế và kỹ sư Trung Quốc đã nghiên cứu công nghệ quân sự hiện đại nhất của Mỹ cũng như Nga trong nỗ lực chế tạo Type 001A đáp ứng nhu cầu thực tế của Trung Quốc.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công, việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng tàu sân bay đáp ứng mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình phát triển lực lượng hải quân “đẳng cấp thế giới”.  Khi ra mắt vào năm 2012, tàu Liêu Ninh cũng được ca ngợi là bước đi giúp “ước mơ 70 năm về tàu sân bay của Trung Quốc thành sự thật”. Tuy nhiên, SCMP cũng trích một nguồn thạo tin hải quân cho biết hiện còn quá sớm để tính toán khả năng sẵn sàng chiến đấu của tàu sân bay mới. Thực tế, một chiếc hàng không mẫu hạm hoàn tất chạy thử nghiệm trên biển không có nghĩa là đã sẵn sàng cho hoạt động như vậy.

Và mặc dù Bắc Kinh sở hữu công nghệ lỗi thời và tụt hậu so với siêu cường hải quân là Mỹ, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng sự hiện diện của tàu sân bay mới sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực quân sự của Trung Quốc ở châu Á. Theo đó, Trung Quốc tuy còn chặng đường dài để đuổi kịp Hải quân Mỹ trên toàn cầu nhưng sức mạnh của họ trong khu vực sẽ là thách thức lớn đối với vị thế của Washington giữa thời điểm Bắc Kinh không ngừng mở rộng tiềm lực quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương.

Với ngân sách quốc phòng ước tính 175 tỉ USD trong năm 2018, các chuyên gia cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang nhanh chóng thu được thành quả từ tiến trình hiện đại hóa. Bắc Kinh cũng không hề giấu giếm tham vọng trở thành “hải quân biển xanh”, mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn cầu, sánh ngang với các cường quốc hải quân như Anh, Nga, Pháp, Mỹ. Với mục tiêu này, Trung Quốc đang bắt đầu đóng tàu sân bay thứ 3 với hệ thống phóng công nghệ cao tại nhà máy ở Thượng Hải. Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia cho biết PLA cần ít nhất 6 tàu sân bay trong biên chế. “Hải quân Mỹ vẫn sẽ vượt trội hơn Hải quân Trung Quốc trong 10 năm tới, nhưng Trung Quốc sẽ sở hữu quy mô hạm đội lớn hơn, thu hẹp khoảng cách về công nghệ và đào tạo” - Giáo sư khoa học chính trị Robert Ross tại Đại học Boston nói với CNN.

Theo Giáo sư Ross, việc Trung Quốc mở rộng cơ sở quân sự ở Ấn Độ Dương và Đông Phi là minh chứng cho kế hoạch duy trì sự hiện diện ở những vùng biển xa xôi. Nhưng trong tương lai gần, ông cho biết mục tiêu chính của Hải quân Trung Quốc vẫn là năng lực thống trị các vùng biển quanh đại lục. Tại châu Á, vị giáo sư này cho rằng hiện chỉ có Nhật Bản có khả năng cân bằng sức mạnh với Hải quân Trung Quốc nhưng có lẽ chỉ khoảng 5 năm nữa họ cũng sẽ bị vượt mặt.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết