11/04/2021 - 18:32

Trung Quốc phát triển vũ khí tối tân nhờ công nghệ Mỹ 

Báo Bưu điện Washington dẫn lời các cựu quan chức Mỹ và giới phân tích phương Tây cho biết, tại một cơ sở quân sự bí mật ở phía Tây Nam Trung Quốc, một siêu máy tính đang hoạt động ngày đêm, mô phỏng sức nóng và lực cản của các tên lửa siêu thanh đang tăng tốc trong khí quyển. Ðó là loại tên lửa mà một ngày nào đó được cho có thể nhắm vào hàng không mẫu hạm Mỹ hoặc Ðài Loan.

Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc. Ảnh: WP

Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc. Ảnh: WP

Các nhà phân tích cho hay, chiếc máy tính trên được trang bị những con chip do công ty Trung Quốc có tên là Phytium Technology thiết kế. Những con chip này sử dụng phần mềm của Mỹ và được chế tạo tại nhà máy sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới ở Ðài Loan.

Theo một số tài liệu, cơ sở thử nghiệm siêu thanh nói trên được đặt tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khí động học Trung Quốc (CARDC), “trái tim của nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh” của nước này. CARDC có tới 18 đường hầm gió, tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu vũ khí siêu thanh của Trung Quốc. Trung tâm này bị Washington liệt vào “danh sách đen” từ năm 1999 vì đã góp phần phổ biến tên lửa.

Hồi tháng 1-2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Thiên Tân, nơi tọa lạc của Phytium. Nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới khi đó đánh giá cao tầm quan trọng của Phytium trong nỗ lực “đổi mới bản địa”. Ngày nay, Phytium tự hào là “nhà cung cấp chip lõi độc lập hàng đầu Trung Quốc”. Phytium tự xem mình là công ty thương mại có tham vọng trở thành một “gã khổng lồ” về chip toàn cầu như Tập đoàn Intel (Mỹ). Công ty được thành lập vào tháng 8-2014 và được cho có liên hệ với các nhóm nghiên cứu của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.  Phytium chuyên cung cấp bộ xử lý cho máy chủ và trò chơi điện tử nhưng cổ đông và khách hàng chính của công ty là nhà nước và quân đội Trung Quốc.

Thật ra, Phytium là liên doanh giữa Tập đoàn Công nghệ Ðiện tử Trung Quốc, Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia và chính quyền thành phố Thiên Tân. “Phytium hoạt động giống như một công ty thương mại độc lập. Các quản lý công ty đều mặc thường phục nhưng họ hầu hết là sĩ quan quân đội” - Eric Lee, trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Dự án 2049 (Mỹ), cho biết.

Quan hệ đối tác của Phytium với CARDC là một ví dụ điển hình về cách Trung Quốc đang âm thầm khai thác công nghệ dân sự cho mục đích quân sự với sự trợ giúp của công nghệ xứ cờ hoa. Mặt khác, vụ việc liên quan tới Phytium cũng cho thấy tình thế “tiến thoái lưỡng nan” đối với Ðài Loan, hòn đảo kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Ðài Bắc dựa vào Washington để tăng cường năng lực phòng vệ trước khả năng bị Bắc Kinh tấn công nhưng các công ty Ðài Loan cũng phụ thuộc nặng nề vào thị trường đại lục vốn chiếm 35% kim ngạch thương mại của họ.

Cuối năm ngoái, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng có ý định đưa Phytium và một số công ty Trung Quốc khác vào danh sách đen xuất khẩu, nhằm ngăn các công nghệ có xuất xứ Mỹ “chảy” sang các hãng này, đồng thời làm chậm chương trình vũ khí siêu thanh cũng như các loại vũ khí tinh vi khác của Trung Quốc. Song, ông Trump không kịp làm điều đó. Nhiều công ty Mỹ cho rằng việc kiểm soát xuất khẩu làm tổn hại đến lợi nhuận của họ, trong khi khuyến khích Trung Quốc chuyển hoạt động kinh doanh của mình sang nơi khác và phát triển các ngành công nghiệp của riêng mình.

Hiện các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào vũ khí siêu thanh là mối lo ngại đối với Lầu Năm Góc. Mark J. Lewis, Giám đốc điều hành Viện Công nghệ mới nổi thuộc Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Quốc gia Mỹ cho rằng siêu thanh là một công nghệ quân sự quan trọng. Ông Lewis lo ngại Trung Quốc có thể nhắm vào các tàu hải quân và căn cứ không quân Mỹ ở Thái Bình Dương bằng tên lửa siêu thanh, vốn chỉ mất vài phút để đạt được mục tiêu, khiến cho hệ thống phòng thủ khó có thể ngăn chặn. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết