01/09/2023 - 20:43

Trung Quốc khó đạt mục tiêu về khí hậu 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy điện than mới với tốc độ tương đương 2 nhà máy/tuần - tỷ lệ mà các cơ quan giám sát năng lượng cho rằng Bắc Kinh khó đạt được các mục tiêu về khí hậu đặt ra.

Nhà máy điện than ở tỉnh Cam Túc. Ảnh: AP

Theo tờ Guardian, Trung Quốc cam kết đạt đỉnh lượng phát thải carbon vào năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060. Năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ ngừng xây dựng các nhà máy vận hành bằng than ở nước ngoài. Song, Trung Quốc hồi năm 2022 đã bắt đầu phê duyệt một loạt dự án xây dựng các nhà máy điện than mới trong nước và tái khởi động các dự án bị đình chỉ giữa lúc tình trạng thiếu điện diễn ra gay gắt. Cũng trong năm 2022, Bắc Kinh thông qua mức công suất điện than kỷ lục 106 gigawatt (GW), trong đó 1GW tương đương với một nhà máy điện than lớn. Trong một phát biểu đáng chú ý hồi tháng 7-2023, ông Tập dù nhắc lại các mục tiêu trên nhưng nhấn mạnh: chính sách năng lượng của Trung Quốc phải dựa trên nhu cầu của đất nước chứ không bị ảnh hưởng bởi
người khác.

Theo phân tích của Cơ quan Giám sát Năng lượng Toàn cầu và Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, công suất điện than được Trung Quốc phê duyệt trong năm nay có khả năng phá vỡ kỷ lục của năm ngoái. Chỉ trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc xây dựng các nhà máy điện than với tổng công suất 37GW, phê duyệt các dự án với tổng công suất 52GW, công bố các dự án mới với tổng công suất 41GW và “hồi sinh” các dự án với tổng công suất 8GW bị gác lại trước đó. Ðáng chú ý, 6% các dự án xây dựng nhà máy điện than mới nằm trong các khu vực lưới điện, vốn dư thừa công suất điện than. Theo giới phân tích, trừ khi Trung Quốc ngay lập tức dừng cấp phép các dự án mới, hủy bỏ các dự án được cấp phép hoặc ngừng hoạt động sớm hàng loạt nhà máy hiện hành, nước này mới có thể giảm công suất điện than trong kế hoạch 5 năm lần thứ 15 (2026-2030).

Song, giới phân tích cũng nhận thấy sự tiến bộ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (gồm năng lượng gió, quang năng và thủy năng) của Trung Quốc, vốn được chính phủ xác định sẽ trở thành nguồn cung cấp năng lượng chính và năng lượng điện than chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Theo Bloomberg, Trung Quốc đứng đầu danh sách các nhà đầu tư vào năng lượng sạch vào năm 2022, với 546 tỉ USD, chiếm gần một nửa lượng tiền đổ vào lĩnh vực này trên toàn cầu trong năm đó. Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cho thấy, lượng năng lượng gió và mặt trời hiện tại của nước này đủ để đáp ứng khoảng 30% nhu cầu năng lượng trong nước.

Tuy nhiên, nhiều nơi trên khắp Trung Quốc đang nhận được phần lớn lượng điện bổ sung từ than, mâu thuẫn với việc coi năng lượng điện than chỉ là nguồn “hỗ trợ” cho năng lượng sạch. Cory Combs, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Trivium, cho rằng sở dĩ tình trạng nhà máy điện than tại Trung Quốc “mọc lên như nấm” là bởi đất nước tỉ dân muốn nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

Theo phân tích của công ty tư vấn rủi ro Rhodium Group hồi năm 2021, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất trên toàn cầu, tạo ra 27% lượng khí thải, nhiều hơn lượng khí thải mà cả Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Ðộ, Nga và Nhật Bản gộp lại. Song, trong khi các nền kinh tế phát triển đang nỗ lực giảm lượng khí thải, lượng khí thải của Trung Quốc tăng vọt do nhu cầu sử dụng than để cung cấp năng lượng cho các thành phố cũng như các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như sản xuất thép. Dữ liệu do Tạp chí Carbon Brief (Anh) tổng hợp cho thấy, lượng phát thải của Trung Quốc trong quý II năm nay tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới phân tích cho rằng nếu không được kiểm soát, lượng khí carbon ngày càng tăng này có nguy cơ làm chệch hướng các nỗ lực quốc tế nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng khí hậu.

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), Trung Quốc cam kết giảm phát thải khí CO2 tới 65% và tăng tỷ lệ tiêu thụ năng lượng tái tạo từ 20%-25%. Trung Quốc trong một nỗ lực nhằm đạt mục tiêu đặt ra đã phát động “cuộc chiến chống ô nhiễm”, mang lại tác động đáng kể, làm giảm mức ô nhiễm trung bình toàn cầu. Dù ô nhiễm không khí của Trung Quốc vẫn cao gấp 6 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới nhưng Bắc Kinh đã làm giảm 42,3% không khí độc hại kể từ năm 2013.

Chia sẻ bài viết