17/08/2022 - 22:20

Trung Quốc đối mặt đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong 60 năm 

NGUYỆT CÁT (Theo CNN, SCMP)

Tứ Xuyên - một trong những tỉnh lớn nhất Trung Quốc với 84 triệu dân - vừa thông báo đóng cửa tất cả các nhà máy trong 6 ngày nhằm giảm bớt tình trạng thiếu điện trong khu vực, giữa lúc đợt nắng nóng dữ dội đang quét qua đất nước đông dân nhất thế giới.

Phụ nữ Trung Quốc trốn cái nắng gay gắt khi ra đường.

Cụ thể, Tứ Xuyên đã yêu cầu 19/21 thành phố trực thuộc tỉnh này phải tạm ngừng sản xuất tại tất cả các nhà máy từ ngày 15 đến 20-8, nhằm đảm bảo nguồn điện phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân.

Theo CNN, Tứ Xuyên - địa điểm sản xuất quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và các bảng pin năng lượng Mặt trời - sẽ nhắm việc phân bổ điện vào các nhà máy thuộc một số công ty điện tử lớn nhất thế giới, bao gồm hai nhà cung cấp linh kiện Mỹ Foxconn của Apple và Intel. Tương tự, một số công ty nội địa cảnh báo rằng hoạt động sản xuất của họ có thể bị ảnh hưởng bởi quyết định cắt điện ở Tứ Xuyên, bao gồm nhà sản xuất phụ tùng xe hơi Sichuan Haowu Electromechanical và công ty sản xuất phân bón và các sản phẩm hóa học Sichuan Lutianhua. Do Tứ Xuyên cũng là trung tâm khai thác lithium - một thành phần chính của pin xe điện, các nhà phân tích nhận định việc đóng cửa nhà máy có thể đẩy giá nguyên liệu thô tăng lên.

Ðược biết, Trung Quốc đang phải đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt nhất trong vòng 60 năm qua, khi nhiệt độ vượt quá 400C tại hàng chục thành phố. Tình trạng nắng nóng quá mức khiến nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ tại các văn phòng và gia đình tăng vọt, đặt thêm áp lực lên lưới điện. Hạn hán cũng đã làm cạn kiệt mực nước sông, làm giảm sản lượng điện sản xuất tại các nhà máy thủy điện.

Riêng Tứ Xuyên - một trung tâm thủy điện quan trọng ở Trung Quốc - đã phải hứng chịu nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt từ tháng 7, trong khi lượng nước đổ về các hồ thủy điện đã giảm 50% trong tháng này. Và kể từ hôm 7-8, nắng nóng ở tỉnh này đã tăng đến “mức khắc nghiệt nhất trong 60 năm qua”, dao động từ 40-42oC. Lô Châu, một thành phố ở Tứ Xuyên, tuần trước thông báo sẽ tắt đèn đường ban đêm để tiết kiệm điện và giảm áp lực cho lưới điện.

Ngoài Tứ Xuyên, các tỉnh thành lớn khác tại Trung Quốc - bao gồm Giang Tô, An Huy và Chiết Giang - cũng kêu gọi các doanh nghiệp và gia đình tiết kiệm điện vì đợt nắng nóng đã làm cạn kiệt nguồn cung cấp năng lượng. Ở một số khu vực, các tòa nhà văn phòng đã được lệnh tăng nhiệt độ điều hòa trên 260C hoặc đóng cửa dịch vụ thang máy ở ba tầng đầu tiên nhằm tiết kiệm điện.

Hôm 14-8, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) ban hành cảnh báo đỏ, mức cao nhất trong thang cảnh báo 4 cấp của nước này về nắng nóng khắc nghiệt, đối với một số khu vực ở Tân Cương và tỉnh Thiểm Tây, Giang Tô. Huyện Trúc Sơn thuộc tỉnh Hồ Bắc (miền Trung Trung Quốc) là địa phương nóng nhất với nhiệt độ trên 440C hôm 13-8. Tỉnh Giang Tô ngày 14-8 cảnh báo nhiệt độ mặt đường ở một số khu vực có thể trên 720C. Chuyên gia Sun Shao ở Viện Khoa học Khí tượng Trung Quốc cho hay, đây là đợt sóng nhiệt có nhiệt độ cao nhất và kéo dài nhất ở Trung Quốc từ khi nước này bắt đầu ghi nhận dữ liệu khí tượng từ năm 1961. Ông Shao cho biết đợt sóng nhiệt lần này diễn ra sớm hơn so với đợt sóng nhiệt kỷ lục dài 62 ngày hồi năm 2013.

Nắng nóng gay gắt ở Trung Quốc cũng khiến nhiều vùng mất mùa, làm tăng thêm áp lực lạm phát. “Bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao liên tục ở nhiều nơi, giá rau tươi tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ những năm trước” - Fu Linghui, phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết hôm 15-8. Ông chỉ ra rằng nắng nóng khắc nghiệt đã gây hạn hán ở một số khu vực nông nghiệp ở phía Nam, trong khi ở miền Bắc, mưa và lũ lụt cũng dẫn đến mùa màng thất bát. Chịu tác động của đợt nắng nóng và hạn hán khắc khiệt kỷ lục tại phía Nam, mực nước sông Dương Tử và 2 hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc - gồm hồ Bà Dương và hồ Ðộng Ðình - đang ở mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận năm 1951.

Chia sẻ bài viết