|
Lực lượng quân đội Trung Quốc.
Ảnh: The Moderate Voice |
Hôm qua (1-8) là ngày kỷ niệm 85 năm thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Quốc. Và một lần nữa, người ta thấy có tính chất bất nhất, ngạo mạn trong các tuyên bố của giới quân đội nước này.
Phong tướng cho 6 sĩ quan cấp cao
Tờ Thời báo của Ấn Độ hôm qua cho biết, một ngày trước lễ kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập PLA, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đọc quyết định phong hàm thượng tướng của Quân ủy Trung ương Trung Quốc do ông đứng đầu cho 6 sĩ quan quân đội và cảnh sát cấp cao. Các sĩ quan được phong hàm lần này gồm có Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thuộc PLA Đỗ Kim Tài; Chính ủy của Trường Đại học Quốc phòng PLA Lưu Á Châu; Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu Tế Nam Đỗ Hằng Nham; Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu Thành Đô Điền Tu Tư; Tư lệnh Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Vương Kiện Bình và Chính ủy Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Hứa Diệu Nguyên.
Điểm đặc biệt ở chỗ 4 trong 6 vị tướng được sắc phong lần này là các ủy viên Trung ương Đảng, cầu nối quan hệ gần gũi giữa PLA và Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC). Động thái này được coi là một phần trong các nỗ lực của CPC nhằm đảm bảo một sự chuyển giao quyền lực suôn sẻ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào những tháng cuối năm nay. Trung tướng Lưu Phúc Liên, Chính ủy Quân khu Bắc Kinh, không có tên trong đợt phong quân hàm này dù từ lâu ông được dự đoán sẽ là một trong những gương mặt được thăng cấp. Theo tờ South China Morning Post, việc ông Lưu Phúc Liên không có trong danh sách là một bất ngờ với giới quan sát sau khi ông được bổ nhiệm làm Chính ủy Quân khu Bắc Kinh vào tháng 12-2009. Lưu Phúc Liên vốn được phong trung tướng vào năm 2008 cùng lúc với ông Đỗ Kim Tài.
PLA “nói vậy chớ không phải vậy”
Theo Đại tá Wu Hihua, phó giám đốc Phòng phản ứng nhanh thuộc Bộ tham mưu của PLA, bước phát triển mới của các lực lượng vũ trang Trung Quốc “không đe dọa bất kỳ nước nào, mà chỉ nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia”. Ông tuyên bố: “Trung Quốc chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, thúc đẩy đối thoại và đàm phán để giải quyết các cuộc xung đột, đồng thời phản đối sử dụng vũ lực”.
Tuy nhiên, dư luận quốc tế cho rằng PLA “nói vậy chớ không phải vậy”. Các hành động gây hấn, khiêu khích quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua trái ngược những gì họ nói. Hơn nữa, cái gọi là “chủ quyền quốc gia” của Trung Quốc lại mang tính bành trướng, xâm phạm lãnh hải, bất chấp luật pháp quốc tế. Yêu sách “đường lưỡi bò” liếm 80% diện tích Biển Đông là một thí dụ điển hình.
Cũng phát biểu gọi là “phản đối mọi sự can thiệp quân sự”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh trong một cuộc họp báo ngày 31-7 lại trơ trẽn tuyên bố “Bắc Kinh có các quyền không thể tranh cãi trên các quần đảo ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh”. Ông còn khẳng định Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống tuần tra sẵn sàng chiến đấu thường xuyên trên biển theo cái gọi là “quyền tài phán của Trung Quốc”, dù dư luận quốc tế chỉ trích đó là hành động xâm phạm chủ quyền của các nước khác. Vậy mà ông vẫn ngon ngọt rằng: “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trên tất cả các lĩnh vực, kể cả mối quan hệ an ninh quốc phòng, nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực”.
Tại buổi lễ kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập PLA được tổ chức ở Đại lễ đường nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh tối 31-7 với sự có mặt của đầy đủ các quan chức chóp bu chính phủ và nhà nước Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt nhấn mạnh PLA cần “tập trung các khả năng phòng thủ và quân sự, nỗ lực mạnh mẽ xây dựng quân đội ngày càng hoàn thiện, hiện đại và chuyên nghiệp hơn, tăng cường năng lực để đảm nhiệm nhiều sứ mệnh quân sự, đặc biệt là khả năng giành chiến thắng các cuộc chiến tranh khu vực trong kỷ nguyên công nghệ thông tin”. Ông Lương đề cập đến “các cuộc chiến tranh khu vực”, cụm từ mà giới phân tích nhận định là sẽ gây quan ngại các nước trong khu vực, trong đó có cả cường quốc hạt nhân quân sự Ấn Độ.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)