05/02/2023 - 12:32

Trung, Mỹ cạnh tranh “lôi kéo” Indonesia 

TRÍ VĂN

Tọa lạc ở rìa phía Nam Biển Ðông, Indonesia, quốc gia giàu tài nguyên với nền kinh tế ngàn tỉ USD đang phát triển nhanh và sở hữu dân số đông, hiện được xem là “át chủ bài” trong cuộc chiến địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc để giành ảnh hưởng tại châu Á. Vị trí chiến lược đó cùng với khoảng 17.000 hòn đảo và đường biển dài hàng ngàn km của Indonesia được xem là nơi phòng thủ vững chắc khi mà cả Washington và Bắc Kinh đang có nguy cơ nổ ra xung đột xung quanh vấn đề Ðài Loan.

Chân dung Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Indonesia Joko Widodo được treo tại một công trường xây dựng ở Bandung. Ảnh: NYT

Trung Quốc chiếm ưu thế

Trong việc lôi kéo Indonesia, Trung Quốc tỏ ra có lợi thế hơn. Ðến nay, Trung Quốc đã đưa ra nhiều khoản đầu tư lớn để “lấy lòng” một bộ phận dân chúng ở Indonesia, đổ hàng tỉ USD vào việc phát triển các mỏ nickel lớn nhất thế giới tại nước này và nhanh chóng gửi tặng Indonesia nhiều lô hàng vaccine phòng đại dịch COVID-19.

Hiện Bắc Kinh là đối tác trong việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng của Jakarta, đảm trách cả dự án xây dựng tuyến đường cao tốc dù hơi chậm trễ và vượt quá ngân sách của Indonesia. Theo tờ Thời báo New York (NYT), Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2022 đã đầu tư hơn 5 tỉ USD vào Indonesia, trong khi con số này từ Mỹ là khoảng 2 tỉ USD. Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng Ðiều phối Các vấn đề Hàng hải và Ðầu tư Indonesia, trong một cuộc phỏng vấn gần đây cho biết “Trung Quốc không bao giờ ra lệnh” cho Indonesia. Trái lại, giới chức Mỹ thường đưa ra danh sách gồm các điều kiện “khó nhằn” trước khi triển khai một khoản đầu tư nào đó. Nhờ vậy mà Bắc Kinh dường như đã “quyến rũ” được Jakarta. Quốc gia có đa số người Hồi giáo này đã bỏ phiếu ủng hộ lập trường của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc xung quanh vấn đề người Duy Ngô Nhĩ. Giới ngoại giao cho rằng trong Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á, Indonesia là quốc gia ủng hộ hết mình việc Trung Quốc đầu tư kinh tế vào tất cả 10 quốc gia thành viên.

Thật ra, Indonesia và Trung Quốc từ lâu có quan hệ ấm nồng. Một tháng sau khi lên nắm quyền hồi năm 2014, Tổng thống Joko Widodo đã tới Bắc Kinh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah, kể từ đó, ông Widodo đã gặp riêng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới 8 lần trong khi gặp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Joe Biden tổng cộng chỉ 4 lần.

Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Widodo coi phát triển cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu, trong khi ông Tập coi đầu tư cơ sở hạ tầng là “xương sống” trong chiến lược ngoại giao của ông. Trong chuyến thăm đầu tiên tới Bắc Kinh, ông Widodo đã được đưa lên chuyến tàu cao tốc từ Bắc Kinh đến thành phố cảng Thiên Tân. Và vào tháng 10-2015, ông đã ký một thỏa thuận trị giá hàng tỉ USD để Trung Quốc xây dựng tuyến cao tốc ở Indonesia. “Trung Quốc cho đến nay là đối tác thương mại số 1, nhà đầu tư nước ngoài số 1 và trước đại dịch COVID-19 là nguồn khách du lịch quốc tế số 1 của Indonesia. Nhiều doanh nhân và giới tinh hoa chính trị Indonesia tin rằng Trung Quốc là một siêu cường đang lên trong khi vị thế của Mỹ đang suy giảm” - cựu Bộ trưởng Thương mại Indonensia Tom Lembong cho biết.

Tính toán chiến lược của Indonesia

Trong vòng chưa đầy một thập niên, Trung Quốc đã thắt chặt quan hệ với Indonesia, chủ yếu là để cạnh tranh trực tiếp với Mỹ. Song, quan hệ giữa Bắc Kinh và Jakarta không phải là không có thách thức. Khi Indonesia thông báo rằng Trung Quốc đảm trách việc xây dựng tuyến cao tốc dài khoảng 142km, trị giá 5,5 tỉ USD từ thủ đô Jakarta đến Bandung (thành phố thủ phủ của tỉnh Tây Java), dự án được hứa hẹn hoàn thành vào năm 2019. Tuy nhiên, nhà kinh tế cao cấp Faisal Basri của Ðại học Indonesia, cho biết số tiền đầu tư đó ngay từ đầu là đã không hợp lý, việc bán vé không bù đắp nổi số vốn bỏ ra. Theo công ty nghiên cứu Katadata, dự án hiện đã trễ kế hoạch 3 năm và mức bội chi ngân sách có thể lên tới 1,9 tỉ USD. Ông Basri cho rằng một thỏa thuận tái cấp vốn mà Chính phủ Indonesia và Trung Quốc đang thảo luận có khả năng dẫn đến việc Bắc Kinh tăng tỷ lệ sở hữu tuyến cao tốc này từ mức 40% lên 60%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ nỗ lực củng cố mối quan hệ ở châu Á để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, Indonesia tỏ ra thận trọng để không chọc giận Bắc Kinh. Ðơn cử, Jakarta đã mạnh mẽ phản đối kế hoạch của Washington nhằm trang bị cho đồng minh của nước này là Úc các tàu ngầm vận hành bằng năng lượng hạt nhân, bởi số tàu ngầm này sẽ cần phải đi qua vùng biển của Indonesia trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh vấn đề Ðài Loan. Giới chức Indonesia cho biết họ muốn có khu vực phi hạt nhân xung quanh lãnh thổ nước này. “Chúng tôi sẽ giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Ðài Loan” - Santo Darmosumarto, Vụ trưởng Vụ Ðông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, tuyên bố. Chiến lược gia quốc phòng người Úc Hugh White cho rằng chính tính trung lập của Indonesia sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố mối quan hệ ở châu Á để chống lại Trung Quốc.

Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến thăm Indonesia hồi tháng 11 năm ngoái, ông đã nhắc người đồng cấp xứ sở vạn đảo Prabowo Subianto về thỏa thuận mua 36 chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất. Song, nỗ lực của ông Austin bất thành. Chỉ vài ngày trước đó, cũng chính ông Subianto đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Hai bên khi đó cam kết nối lại các cuộc tập trận quân sự chung. Theo NYT, hồi tháng 2 vừa qua, Indonesia đã mua 42 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp.

Chia sẻ bài viết