25/01/2020 - 16:20

Trung Đông nóng hầm hập ! 

Quan hệ giữa Mỹ và Iran căng thẳng lâu nay nhưng chưa bao giờ đẩy Vùng Vịnh đến bờ vực chiến tranh như trong năm 2019. Trong khi đó, Washington cũng gần như ngả hẳn về Tel Aviv, khiến con tàu hòa bình Trung Đông rung lắc dữ dội.

Cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza của Palestine, tháng 5-2019. Ảnh: FRANCE 24

Vùng Vịnh nổi sóng

Tổng thống Donald Trump không chỉ đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà còn thực thi chiến lược “gây sức ép tối đa” đối với Iran, bao gồm tạo áp lực về mặt ngoại giao, quân sự và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế quyết liệt hơn. Chủ nhân Nhà Trắng muốn dùng chiến lược đa diện này để ép Cộng hòa Hồi giáo trở lại bàn đàm phán và nhượng bộ Washington trong các vấn đề cốt lõi, chẳng hạn như tham vọng hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo.

Nhằm đáp trả sức ép ngày càng lớn từ Mỹ, Iran hồi tháng 5-2019 tuyên bố bắt đầu giảm một số cam kết trong JCPOA.  Căng thẳng còn lan sang thực địa khi Mỹ lẫn Anh tố Iran liên tục quấy rối các tàu hàng quốc tế, tấn công tàu chở dầu của Nhật Bản và Na Uy trên Vịnh Oman và nhất là bắt giữ tàu dầu Stena Impero treo cờ Anh cùng 23 thủy thủ ngay trên Eo biển Hormuz. Quan hệ ngoại giao Iran - Anh thật ra đã bị kéo căng từ trước đó vì vụ Luân Đôn bắt một siêu tàu của Tehran nghi chở dầu lậu tới Syria, vi phạm lệnh cấm của Liên minh châu Âu.

Vì những hục hặc trên mà Mỹ đã phải đưa ra Sáng kiến Liên minh an ninh hàng hải, kêu gọi các đồng minh gửi tàu chiến tới Trung Đông để cùng tuần tra Eo biển Hormuz - điểm nối giữa Vịnh Oman với Vịnh Ba Tư. Tuy chỉ rộng 33km, nhưng eo biển này lại là nơi trung chuyển khoảng 20% lượng dầu tiêu thụ của thế giới mỗi năm. Hiểu được tầm quan trọng đó nên Iran nhiều lần dọa phong tỏa cửa ngõ chiến lược này nếu xảy ra xung đột quân sự với Mỹ.

Bầu trời Vùng Vịnh cũng bị khói đen bao trùm khi 2 nhà máy lọc dầu chính ở Saudi Arabia bị một loạt máy bay không người lái và tên lửa “đánh hội đồng” hồi giữa tháng 9, làm giảm hơn phân nửa sản lượng dầu mỏ của nước này. Tuy lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen nhận trách nhiệm không kích, nhưng Riyadh và Washington quả quyết Tehran đứng sau “giật dây”. Lầu Năm Góc lập tức điều thêm 2 phi đội máy bay chiến đấu, 4 khẩu đội tên lửa đất đối không Patriot cùng một hệ thống đánh chặn THAAD và 2.800 binh sĩ tới Saudi Arabia để tăng cường năng lực phòng thủ cho Riyadh.

Thật ra, chính Washington trước đó đã là “nạn nhân” trên bầu trời Vùng Vịnh khi thiết bị do thám không người lái RQ-4N “BAMS-D” trị giá hơn 200 triệu USD của không quân nước này bị Iran bắn rơi trên Eo biển Hormuz hồi cuối tháng 6 vì “xâm phạm không phận”. Ngay lập tức, Bộ Quốc phòng Mỹ lên kế hoạch không kích 3 mục tiêu của Iran nhưng Tổng thống Trump đổi ý vào phút chót, giúp tránh được một cuộc xung đột lớn mà không ai biết hậu quả sẽ ra sao.

Theo giới phân tích, kịch bản Mỹ không kích Iran có thể sẽ đẩy cao nguy cơ xung đột trên diện rộng ở Trung Đông, khu vực vốn chứa đựng nhiều bất ổn. Với những lực lượng thân tín như Hezbollah (ở Lebanon), các nhóm bán quân sự dòng Shiite (Iraq), Houthi (Yemen) và Syria, Iran có thể đánh trả bằng nhiều cách, không chỉ tấn công vào các lợi ích của Mỹ mà còn cả đồng minh thân cận của nước này như Saudi Arabia hay Israel.

Israel lâu nay coi Iran là mối nguy lớn nhất đối với tương lai của đất nước và hai bên thường xuyên “đe nẹt” nhau. Việc Tel Aviv hết mình ủng hộ chính sách gây áp lực tối đa của Washington, tố Tehran che giấu cơ sở hạt nhân và cảnh báo các tiêm kích F-35 của nước này có khả năng tấn công mọi mục tiêu trong lãnh thổ Iran đã đẩy hiềm khích dâng cao hơn. Thế nên mới có chuyện hồi cuối tháng 11, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Hossein Salami thẳng thừng tuyên bố “hủy diệt Nhà nước Do Thái” không phải giấc mơ mà là mục tiêu trong tầm tay bởi Tehran đã phát triển nhiều công nghệ suốt 40 năm qua để tăng cường tiềm lực quân sự. Chính Lầu Năm Góc cũng thừa nhận rằng mặc dù phải chịu sức ép trừng phạt trong nhiều thập kỷ, Iran vẫn thành công trong việc phát triển vũ khí và hiện đang sở hữu kho tên lửa lớn hơn bất kỳ quốc gia Trung Đông nào khác.

Xuồng cao tốc Iran “vờn” tàu dầu Stena Impero của Anh hồi tháng 7. Ảnh: The Arab Weekly 

Mỹ “dung túng” đồng minh Israel

Washington năm ngoái tiếp tục có những bước đi được giới quan sát đánh giá là tự loại khỏi vị trí dẫn dắt tiến trình hòa bình Trung Đông.

Tháng 3-2019, Tổng thống Donald Trump bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế đã ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan (của Syria), vốn bị nước này chiếm đóng trong thời gian xảy ra chiến tranh Trung Đông năm 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 1981.

Đến tháng 11, ông Trump lại đảo ngược chính sách tồn tại 4 thập niên qua của Washington bằng cách ủng hộ Israel xây các khu định cư tại Bờ Tây chiếm đóng của Palestine. Được Mỹ bật đèn xanh, Israel sau đó đã phá hủy nhiều ngôi nhà của người Palestine ở thành phố Hebron thuộc Bờ Tây, đồng thời lên kế hoạch xây khu định cư mới ở đây.

Lâu nay, khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem là một trong những cản ngại lớn đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Thực tế là vòng hòa đàm gần đây nhất giữa Israel và Palestine đã sụp đổ vào năm 2014 chủ yếu do vấn đề này. Thế nên động thái mới của Mỹ càng khiến con đường tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine thêm mịt mờ.

Trước đó, Mỹ cũng đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào năm 2017 và chuyển Đại sứ quán tới đây một năm sau đó.

 Trước những bước đi thiên vị của Mỹ, Palestine đã tẩy chay hội nghị kinh tế mang tên “Từ hòa bình tới thịnh vượng” tổ chức tại Bahrain vào tháng 6. Đây là một phần của Kế hoạch Hòa bình Trung Đông mà ông Trump gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”, nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thậm chí cảnh báo sẽ cắt đứt mọi quan hệ và liên lạc nếu Mỹ ủng hộ kế hoạch của Israel sáp nhập một số vùng lãnh thổ chiếm đóng.

***

2019 được xem là năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại và vùng đất mệnh danh “chảo lửa Trung Đông” chắc chắn không là ngoại lệ. Cái nóng ở đây không chỉ từ điều kiện khắc nghiệt của thời tiết mà còn được phả ra từ những cuộc không kích và bắn rocket qua lại thường xuyên giữa quân đội Israel và Phong trào Hamas ở Dải Gaza của Palestine; là những vụ bắt bớ, tấn công, “nắn gân” nhau giữa Mỹ và đồng minh với Iran trên biển, đất liền và bầu trời Vùng Vịnh; là chiến sự khốc liệt ở Syria, Yemen…; và cả từ toan tính của các nước lớn đối với khu vực giàu dầu mỏ, có vị trí chiến lược nhưng luôn bất ổn này.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết