09/03/2021 - 06:30

Trở lực đối với tham vọng siêu cường của Trung Quốc 

Tự chủ về công nghệ và giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu là hai trong số các thách thức lớn mà Trung Quốc phải đối mặt trong nỗ lực hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc dẫn dắt thế giới.

Một nhà máy sản xuất điện than ở khu Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Một nhà máy sản xuất điện than ở khu Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Theo các nhà phân tích, cuộc chiến thương mại gay gắt với Mỹ từ năm 2018 buộc giới lãnh đạo Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực công nghệ chủ lực theo hướng tự lực cánh sinh. Bên cạnh đó, ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy Bắc Kinh lên tiếng với cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình đến năm 2060, nước này sẽ đạt được mức phát thải CO2 bằng 0.

Mục tiêu khó khả thi

Các mục tiêu này được đánh giá là khá tham vọng và chưa rõ cường quốc châu Á thực hiện như thế nào. Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuần rồi đã hé lộ một số khía cạnh thông qua dự thảo đề cương Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) và tầm nhìn đến năm 2035. Các văn kiện này được trình bày tại kỳ họp lưỡng hội 2021, bao gồm Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc và cuộc họp Quốc hội, diễn ra từ ngày 5-3 đến 10-3.

Ngay trong ngày khai mạc, Thủ tướng Lý đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phát triển và đổi mới công nghệ. Năm ngoái, chuyến thăm của Chủ tịch Tập tới thủ phủ công nghệ Thâm Quyến khiến cộng đồng quốc tế chú ý khi phản ánh mong muốn của Bắc Kinh thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ trong các mảng công nghệ cốt lõi và công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, chip máy tính, công nghệ sinh học, vật liệu đặc biệt, đường sắt cao tốc, xe chạy bằng năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng. Gần đây, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục xác định chất bán dẫn, mạng 5G và điện toán đám mây là những lĩnh vực quan trọng đối với công cuộc hiện đại hóa đất nước.

Và để trở thành cường quốc công nghệ, Thủ tướng Trung Quốc hôm 5-3 tuyên bố nước này sẽ chi hơn 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm cho nghiên cứu và phát triển. Trung Quốc cũng chú trọng thu hút nhân tài khoa học từ nước ngoài đến đây làm việc. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn nhận định Bắc Kinh vẫn còn một chặng đường dài nếu muốn chấm dứt sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Năm 2019, quốc gia tỉ dân nhập khẩu khối lượng chip trị giá 306 tỉ USD, tương đương 15% tổng giá trị nhập khẩu của cả nước. Cùng với áp lực từ các lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ, việc chính quyền tăng cường ảnh hưởng bằng cách liên tục mở rộng quyền kiểm soát đối với các công ty công nghệ trong nước được dự báo là trở ngại lớn khi cường quốc châu Á đang cố bắt kịp các đối thủ toàn cầu.

Kế hoạch không rõ ràng

Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Trung Quốc ngay trước kỳ họp lưỡng hội đã cho công bố các dự án nâng cấp mạng lưới, giảm sản lượng điện than và xây dựng hàng loạt trạm sạc cho xe điện. Trong dự thảo kế hoạch 5 năm, Bắc Kinh vạch ra mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng không hóa thạch lên 20%  từ mức 15% hiện tại bằng cách xây dựng thêm nhà máy điện hạt nhân cùng các cơ sở năng lượng sạch. Đặc biệt, Trung Quốc dự định cắt giảm 3% mức tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị GDP vào năm 2021 bằng cách loại bỏ ô nhiễm không khí và đầu tư nâng cấp hệ thống sưởi ấm với khoảng 70% trong đó phải sử dụng năng lượng sạch, theo Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Song, một số chuyên gia về khí hậu cho rằng dự thảo kế hoạch 5 năm của Trung Quốc vẫn chưa làm rõ việc nước này sẽ từ bỏ ngành công nghiệp than hoặc các dự án nhiên liệu hóa thạch khác như thế nào. Trái lại, nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc thực tế đang mở rộng đầu tư cho các nguồn năng lượng bẩn trước áp lực khôi phục kinh tế và phát triển xã hội sau đại dịch COVID-19. Và mặc dù tiếp tục đưa chống biến đổi khí hậu vào mô hình phát triển trong 15 năm tiếp theo, nhưng nhà phân tích Swithin Lui thuộc Viện NewClimate đánh giá rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ có những thay đổi cần thiết để đạt được mục tiêu đó.

Trung Quốc phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới và là nước duy nhất có mức tăng phát thải hồi năm ngoái.

MAI QUYÊN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết