04/03/2019 - 20:08

Tổng thống Trump nêu yếu tố tác động đến thượng đỉnh Mỹ - Triều 

Tàu chở nhà lãnh đạo Triều Tiên về thẳng Bình Nhưỡng

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết việc đảng Dân chủ quyết định chất vấn cựu luật sư riêng của ông là Michael Cohen vào cùng ngày diễn ra cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam, có thể là yếu tố dẫn tới việc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.

Tổng thống Trump (trái) và nhà lãnh đạo Kim tại Hà Nội hôm 27-2. Ảnh: AP

Tổng thống Trump (trái) và nhà lãnh đạo Kim tại Hà Nội hôm 27-2. Ảnh: AP

Trên trang Twitter hôm 3-3, Tổng thống Trump nhấn mạnh việc các nghị sĩ Dân chủ mở phiên điều trần công khai để chất vấn một đối tượng đã bị kết tội trùng với thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh rất quan trọng với Triều Tiên dường như là điều tồi tệ nhất trong đời sống chính trị Mỹ. Tổng thống Trump cho rằng đây có lẽ là yếu tố tác động tới quyết định của ông tại Hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội. Ông nêu rõ: “Đừng bao giờ làm thế khi tổng thống đang công du nước ngoài. Thật hổ thẹn!”.

Tuần trước, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam để đàm phán về một thỏa thuận, bao gồm việc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân để đối lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Trong khi đó, tại Washington, cựu luật sư Cohen đã ra điều trần trước Ủy ban Cải cách và giám sát Hạ viện Mỹ liên quan cáo buộc rằng ông Trump đã ra lệnh cho luật sư riêng đưa ra hàng trăm lời đe dọa trong 10 năm qua.

Tại phiên điều trần, ông Cohen đã xin lỗi Quốc hội và người dân Mỹ, đồng thời bày tỏ hối tiếc vì đã không trung thực với các nhà lập pháp nước này. Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Cohen bị kết án 3 năm tù giam do những vi phạm về tài chính và lừa dối Quốc hội Mỹ. Vị cựu luật sư này sẽ chính thức thụ án váo tháng 5 tới. Trước đó, hồi tháng 8-2018, ông Cohen thừa nhận 8 tội danh liên quan tới trốn thuế, gian lận ngân hàng và vi phạm quy tắc tài chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016.

Tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 28-2 sau khi quyết định kết thúc sớm Hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên, khi được hỏi về phiên điều trần đang diễn ra ở Mỹ, Tổng thống Trump khẳng định những cáo buộc trên là “không chính xác”, đồng thời chỉ trích việc mở phiên điều trần khi ông đang vắng mặt, cho rằng việc thực hiện phiên điều trần như vậy giữa lúc đang diễn ra hội nghị quan trọng là điều thực sự “tồi tệ”.

Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vừa qua đứng trên phương diện đảm bảo các lợi ích quốc gia của Mỹ. 

Phát biểu trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS, ông Bolton cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không có được những cam kết của Triều Tiên về giải trừ hạt nhân nên được coi là “thành công xét trên khía cạnh là nhà lãnh đạo Mỹ đang bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích quốc gia”. Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận “thỏa thuận lớn” của Tổng thống Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua, ngụ ý việc Bình Nhưỡng đồng ý giải trừ hạt nhân hoàn toàn và có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn. Ông nêu rõ: “Tổng thống đã giữ vững quan điểm của mình. Ông ấy cũng thắt chặt thêm mối quan hệ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tôi không cho rằng đó là một thất bại khi lợi ích quốc gia Mỹ được bảo vệ”.

Trong một cuộc phỏng vấn khác với hãng tin Fox News, ông Bolton cũng cho biết Tổng thống Trump đã nỗ lực thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un “chấp nhận một thỏa thuận lớn giúp thực sự mang lại một sự khác biệt cho Triều Tiên”. Tuy nhiên, khi điều này không có hiệu quả, ông Trump đã ra về. Theo ông Bolton, nhà lãnh đạo Mỹ “đã nêu lên một vấn đề rất quan trọng đối với Triều Tiên và các nước khác trên thế giới trong việc đàm phán với ông. Ông ấy sẽ không nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận, không phải với Triều Tiên, hay bất kỳ ai khác, nếu điều đó đi ngược lại lợi ích quốc gia Mỹ”.

 Đoàn tàu bọc thép chở nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã không dừng tại ga Bắc Kinh mà chọn đường ngắn nhất trở về Bình Nhưỡng sau khi kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, theo đó thời gian di chuyển của đoàn tàu trên lãnh thổ Trung Quốc nhanh hơn so với khi tới Việt Nam.

Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc ngày 4-3 dẫn tin Yonhap cho biết đoàn tàu chở nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xuất phát từ ga Đồng Đăng của Việt Nam lúc 12h50’ ngày 2-3 và mất khoảng 41 giờ để tới thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) trong sáng 4-3. Vấn đề trên được lý giải là do tốc độ đoàn tàu được tăng lên do không dừng lại hoặc giảm tối thiểu thời gian lưu lại các ga Bằng Tường, Nam Ninh... như khi tới thăm Việt Nam. Nếu duy trì tốc độ này, đoàn tàu của nhà lãnh đạo Triều Tiên qua ga Đan Đông và về tới Thủ đô Bình Nhưỡng chỉ mất khoảng 60 giờ đồng hồ, giảm 5-7 giờ đồng hồ so với thời gian khi đến thăm Việt Nam.  Cũng theo Yonhap, đoàn tàu chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đi qua thành phố Thiên Tân, Đông Bắc Trung Quốc, vào khoảng 7h sáng 4-3 và an ninh đã được siết chặt tại đây vào sáng sớm.

Giới hạ nghị sĩ Dân chủ thúc đẩy điều tra ông Trump

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các nghị sĩ đảng Dân chủ hàng đầu tại Hạ viện Mỹ ngày 3-3 cho rằng cần khẩn trương tiến hành các cuộc điều tra liên quan đến vấn đề tài chính và khả năng cản trở công lý của Tổng thống Donald Trump.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerrold Nadler cho biết đảng Dân chủ sẽ xem xét thêm cáo buộc lạm dụng quyền lực, tham nhũng và cản trở công lý đối với Tổng thống Mỹ. Ủy ban này sẽ yêu cầu hơn 60 người có quan hệ thân cận hoặc làm việc cho chính quyền của Tổng thống Trump cung cấp các tài liệu vào ngày 4-3 (giờ địa phương) cho các cuộc điều tra, trong số này có con trai cả của ông Trump là Donald Trump Jr. và Allen Weisselberg - hai người duy nhất được sự ủy thác của Tháp Trump. 

​Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff cũng khẳng định đã “có bằng chứng chắc chắn” cho thấy sự thông đồng giữa ủy ban bầu cử của Tổng thống Trump với Nga khi đề cập đến một cuộc họp năm 2016 tại Tháp Trump, nơi mà một luật sư người Nga hứa sẽ gây ảnh hưởng tới các thông tin của bà Hillary Clinton - ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ thời bấy giờ.

TTXVN

Chia sẻ bài viết