30/12/2020 - 08:49

Tổng thống Putin đồng ý tiêm vaccine Sputnik V 

Tổng thống Vladimir Putin ngày 27-12 cho biết sẽ tiêm vaccine Sputnik V do Nga sản xuất, một tháng sau khi ông từ chối tiêm chế phẩm ngừa COVID-19 này.

Tổng thống Nga Putin sẵn sàng tiêm vaccine Sputnik V. Ảnh: Kremlin

“Tổng thống đã đưa ra quyết định và đang chờ đến khi mọi thủ tục hoàn tất”, phát ngôn viên Ðiện Kremlin Dmitry Peskov nói rõ. Kể từ khi đại dịch bùng phát, nhà lãnh đạo 68 tuổi của Nga chủ yếu làm việc từ xa, tổ chức các cuộc họp thông qua video, đồng thời hạn chế di chuyển.

Mát-xcơ-va đã khởi động chương trình tiêm chủng tự nguyện Sputnik V, vaccine mà nước này tuyên bố đạt hiệu quả phòng bệnh trên 90%, tương đương các chế phẩm của Pfizer/BioNTech (Mỹ - Ðức) và Hãng dược Mỹ Moderna. Theo đó, những người Nga trên 60 tuổi có thể bắt đầu đăng ký tiêm ngừa từ ngày 28-12. Trước đây, vaccine chỉ được sử dụng cho nhóm đối tượng từ 18 đến dưới 60 tuổi.

Sputnik V được phê duyệt hồi tháng 8 năm nay, trở thành vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới được chấp thuận mặc dù chưa xong hết các giai đoạn thử nghiệm trên người. Hai liều Sputnik V dự kiến có giá dưới 10USD trên thị trường quốc tế, tiêm miễn phí cho công dân Nga. Tính đến nay, xứ bạch dương ghi nhận hơn 3,1 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 với gần 56.000 người chết.

Sự cố vận chuyển vaccine ở Đức

Chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 ở một số địa phương của Ðức đã phải tạm dừng hôm 27-12, sau khi 1.000 liều vaccine do Pfizer/BioNTech cung cấp bị nghi là không được bảo quản đủ lạnh trong quá trình vận chuyển.

Phát ngôn viên của huyện Lichtenfels (bang Bavaria) cho biết nhiệt độ trong một chiếc thùng giữ lạnh vaccine đã tăng lên 150C, so với mức tối đa 80C mà nhà sản xuất quy định. Sau khi được lấy ra khỏi tủ đông, vaccine phải được giữ ở nhiệt độ 2-80C để duy trì hiệu quả trong tối đa 5 ngày. Loại vaccine này, sử dụng công nghệ mới mRNA, phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, khoảng -700C, trước khi chuyển đến các trung tâm phân phối trong thùng giữ lạnh bằng đá khô. Theo Hãng tin Reuters, BioNTech chịu trách nhiệm vận chuyển vaccine tới 25 trung tâm phân phối của nước này. Trong khi đó, chính quyền địa phương có nhiệm vụ đưa vaccine đến các trung tâm tiêm chủng và đội tiêm chủng lưu động.

Vụ việc trên cũng cho thấy chiến dịch triển khai vaccine vẫn còn nhiều thách thức. Bởi vậy, các cơ quan quản lý Ðức được cho là đang xem xét phê duyệt các loại vaccine khác, bao gồm vaccine của Moderna và Oxford/AstraZeneca (Anh), vì chúng dễ vận chuyển và bảo quản hơn.

Ðức bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine trên toàn quốc vào ngày 27-12, trong đó cư dân tại các viện dưỡng lão là đối tượng được ưu tiên. Chính phủ liên bang có kế hoạch phân phối hơn 1,3 triệu liều cho các cơ quan y tế địa phương vào cuối năm nay và khoảng 700.000 liều/tuần kể từ tháng 1-2021. Ðức đến nay ghi nhận hơn 1,6 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó trên 31.000 người chết.

Ngày 28-12, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa tiết lộ nước này dự định sẽ ghi nhận những trường hợp từ chối tiêm vaccine và chia sẻ thông tin cho các quốc gia trong Liên minh châu Âu. Tây Ban Nha không bắt buộc người dân tiêm vaccine, nhưng ông Illa nhấn mạnh cần phải lưu thông tin của tất cả những người quay lưng với vaccine sau khi họ được giới chức y tế kêu gọi tiêm ngừa. Phát biểu trên được đưa ra một ngày sau khi Madrid phát động chương trình chủng ngừa, với mục tiêu tiêm vaccine cho 2,5 triệu người trong quý I/2021.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết