25/05/2015 - 09:15

Tổng thống Myanmar ký dự luật kiểm soát dân số

* Nga ban hành luật cấm NGO "có thể gây rắc rối"

Tổng thống Myanmar Thein Sein hôm 23-5 đã ký một dự luật gây tranh cãi, yêu cầu các bà mẹ trong vòng 3 năm mới được sinh đứa con kế tiếp bất chấp sự phản đối của các nhà hoạt động nhân quyền.

Theo tờ Wall Street Journal, dự luật mới buộc các bà mẹ phải chờ tới 36 tháng mới được sinh đứa con tiếp theo, đồng thời cho phép các chính quyền địa phương triển khai các biện pháp kiểm soát dân số tại nơi mình đang cư trú. Dự luật này đã nhận được sử ủng hộ của các Phật tử theo đường lối cứng rắn nhưng lại bị công chúng, trong đó đa số là người Hồi giáo, kịch liệt phản đối. Bà Zin Mar Aung, một nhà hoạt động nhân quyền có tiếng, nhấn mạnh rằng dự luật mới sẽ "rất nguy hiểm cho xã hội Myanmar". Theo ước tính, người Hồi giáo hiện đang chiếm khoảng 10% dân số 51 triệu của Myanmar.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết ông đã bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về dự luật này trong suốt các cuộc gặp với Tổng thống Thein Sein cũng như các tư lệnh quân đội và nhiều quan chức cấp cao khác của Myanmar. Ông cho rằng dự luật sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ sắc tộc và tôn giáo tại quốc gia Đông Nam Á này.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng vừa ký một dự luật, trao các công tố viên quyền công bố các tổ chức phi chính phủ (NGO) "có thể gây rắc rối", đe dọa đối với hiến pháp, quốc phòng hay an ninh của Nga và quyền đóng cửa đối với các tổ chức này. Nhân viên của các NGO này có thể bị phạt tiền, lao động bắt buộc, hạn chế đi lại hoặc thậm chí phạt tù tới 6 năm.

Những người ủng hộ cho rằng đạo luật này là "một biện pháp ngăn ngừa" cần thiết sau làn sóng trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Đạo luật nói trên đang ngày càng gia tăng thêm sức ép đối với các NGO sau khi Nga thực thi các quy định mới vào năm 2012, theo đó bắt buộc các nhóm nhận tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký như những "đại lý nước ngoài", đồng thời không cho phép phương Tây lợi dụng các nhóm, các tổ chức dân sự nhằm kích động, gây bất ổn tại Nga.

Tuy nhiên, Tổ chức theo dõi nhân quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên án dự luật này như là một phần của sự "đàn áp khắc nghiệt đang bóp nghẹt cuộc sống của xã hội dân sự". Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf trong một tuyên bố cho biết Washington "quan ngại sâu sắc" luật này, coi đây là "một cuộc càn quét của chính quyền Mát-xcơ-va nhằm vào tiếng nói tự do và là nước cờ nhằm cô lập người Nga đối với thế giới".

HOÀNG NAM (Theo WSJ, AP, AFP, TTXVN)

Chia sẻ bài viết