18/02/2011 - 09:22

LÀN SÓNG BIỂU TÌNH LAN RỘNG KHẮP THẾ GIỚI A-RẬP

Tổng thống Libye sẽ là người kế tiếp ra đi ?

Cảnh sát Libye ngăn đoàn người biểu tình chống Tổng thống Gadhafi (ảnh nhỏ) ở Benghazi ngày 17-2. Ảnh: Reuters 

Một cuộc biểu tình nhỏ đòi trả tự do cho một luật sư đã bùng phát thành cuộc tuần hành quy mô lớn, dẫn tới xung đột với cảnh sát và những người ủng hộ chính phủ. Đó là những gì đang diễn ra ở Libye, khi tình hình bất ổn trong thế giới A-rập lan tới nước này.

Sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter... các nhà hoạt động tại Libye đã kêu gọi tăng cường biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Moammar Gadhafi hôm 17-2. Họ hy vọng sẽ lật đổ chính phủ thành công từ đà tiến của phong trào nhân dân ở Tunisie, Ai Cập và nhiều nơi khác ở Trung Đông.

Ban đầu, người dân tập trung phía trước trạm cảnh sát ở thành phố Benghazi, lớn thứ hai của Libye hôm 15-2, yêu cầu trả tự do cho luật sư Fathi Tarbel bị bắt ngày hôm trước. Hầu hết người biểu tình là thân nhân của những nạn nhân vụ thảm sát 1.200 tù chính trị tại nhà tù Abu Sleem, ở Thủ đô Tripoli năm 1996. Khi đám đông tiến vào trung tâm thị trấn, nhiều thanh niên địa phương đã tham gia, khiến cuộc biểu tình trở nên rầm rộ, đòi chấm dứt chế độ gần 42 năm cầm quyền của ông Gadhafi.

Hơn 500 người ủng hộ chính quyền Gadhafi đã xuống đường dẫn tới xung đột với người biểu tình chống chính phủ, buộc cảnh sát phải dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông ước tính lên tới 6.000 người. Một số người biểu tình cầm đá, bom xăng và đốt xe cộ khi đụng độ với cảnh sát ở quảng trường Shajara ở Benghazi. Nhiều nguồn tin cho biết ít nhất 2 người thiệt mạng ở thị trấn Bayda, phía Đông Benghazi, và 38 người khác bị thương. Abdulmajeed Eldursi, người phát ngôn chính phủ Libye cho biết các cuộc tuần hành ủng hộ ông Gadhafi sẽ tiếp tục diễn ra khắp đất nước trong vài ngày tới, với sự tham gia của dân thường, sinh viên, giáo viên, nông dân, bác sĩ, nhà văn...

Các nhà quan sát cho rằng ông Gadhafi có thể tổ chức chính quyền và quân đội theo cách đảm bảo tránh xảy ra khủng hoảng như ở Tunisie và Ai Cập. Lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 1969, Đại tá Gadhafi đã điều hành đất nước bằng “bàn tay sắt”, mạnh tay trấn áp các phong trào phản đối. Mặt khác, nhà lãnh đạo Libye đã thành công trong việc lôi kéo các đối thủ từ các bộ tộc, tạo ra sự cân bằng quyền lực trong quân đội và chính quyền, giúp phá vỡ xu hướng đối lập. Bên cạnh đó, ông Gadhafi đã xoa dịu dân chúng bằng nguồn thu dồi dào từ dầu khí. Với trữ lượng dầu khí khổng lồ và dân số nhỏ (khoảng 6,5 triệu người), Lybie là một trong những nước có mức sống cao nhất châu Phi, gấp 4 lần Ai Cập.

Trong bối cảnh bất ổn đang diễn ra khắp khu vực, Libye đã có những bước đi trước, khi áp dụng các biện pháp ổn định giá hàng hóa đang leo thang, giảm thuế đối với một số thực phẩm thiết yếu từ giữa tháng Giêng năm nay. Cuối tuần rồi, báo Bưu điện Tripoli của Libye cho biết chính quyền nước này ngày 16-2 đã trả tự do cho 110 thành viên Nhóm đấu tranh Hồi giáo Libye (LIFG), một động thái được xem như nỗ lực xoa dịu sự chống đối.

N. KIỆT (Theo WSJ. AFP, NYT)

Cảnh sát Libye ngăn đoàn người biểu tình chống Tổng thống Gadhafi (ảnh nhỏ) ở Benghazi ngày 17-2. Ảnh: Reuters 

Chia sẻ bài viết