28/02/2018 - 07:36

Tòa Tối cao Mỹ bác khiếu nại của ông Trump về DACA 

Tòa án Tối cao Mỹ hôm 26-2 đã bác kháng cáo của Nhà Trắng, trong đó yêu cầu chấm dứt Chương trình tạm hoãn trục xuất trẻ em nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ (DACA) vốn được thực thi từ năm 2012 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Người biểu tình phản đối quyết định chấm dứt DACA bên ngoài Quốc hội Mỹ. Ảnh: Zuma Press

Người biểu tình phản đối quyết định chấm dứt DACA bên ngoài Quốc hội Mỹ. Ảnh: Zuma Press

Động thái của Tòa án Tối cao đồng nghĩa gần 800.000 người tạm thời được bảo vệ trước nguy cơ bị trục xuất. Theo quy định, Chính phủ Mỹ trong 2 năm sẽ trì hoãn bất kỳ hành động nào về tình trạng nhập cư đối với thanh thiếu niên nằm trong diện DACA, hay thường được biết đến với tên “Dreamers” (Những người mộng mơ). Họ được quyền học tập, làm việc thậm chí phục vụ trong quân đội và có thể nộp đơn xin xét lại sau khi hết hạn.  Trong số hơn 11 triệu người nhập cư đang sinh sống bất hợp pháp tại Mỹ có khoảng 1,8 triệu người đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình này.

Hồi tháng 9-2017, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố chấm dứt chương trình DACA nhưng tạm hoãn đến tháng 3-2018 để Quốc hội Mỹ soạn thảo bộ luật thay thế giải quyết tình trạng của các “Dreamers”. Động thái gây tranh cãi này sau đó vấp phải làn sóng phản đối và khiếu kiện tại nhiều tiểu bang. Đầu tháng 1-2018, thẩm phán tòa liên bang William Alsup tại San Francisco ra phán quyết yêu cầu duy trì hiệu lực chương trình DACA đến khi mọi khiếu nại liên quan được giải quyết.

Trong động thái bất thường, chính quyền ông Trump sau đó bỏ qua các bước kháng cáo thường lệ và trực tiếp đệ đơn  lên Tòa án Tối cao. 

Tờ New York Times cho rằng động thái của Tòa án Tối cao phần nào giảm áp lực lên các nhà lập pháp khi Quốc hội Mỹ vẫn chưa đưa ra biện pháp định đoạt số phận của các “Dreamers”, bao gồm khả năng cấp quốc tịch. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Devin O’Malley nói rằng chính quyền  ông Trump sẽ tiếp tục bảo vệ thẩm quyền hợp pháp của Bộ An ninh Nội địa nhằm xóa bỏ DACA một cách có hệ thống.

Ivanka Trump bị “hỏi khó”

“Đệ nhất ái nữ” Ivanka Trump đang thu hút sự quan tâm của dư luận xung quanh những phát biểu trong buổi phỏng vấn với đài NBC sau khi dẫn đầu phái đoàn Mỹ dự lễ bế mạc Thế vận hội mùa Đông 2018 tại Hàn Quốc.

Theo đó, con gái lớn của Tổng thống Mỹ tại buổi phỏng vấn được hỏi rằng bản thân có tin hay không vào những cáo buộc ông Trump có “hành vi khiếm nhã” với phụ nữ. Cô Ivanka nói rằng “không thích đáng khi hỏi liệu con gái có tin những người cáo buộc cha mình trong khi ông ấy đã khẳng định đó không phải là sự thật”, đồng thời cho biết bản thân luôn tin tưởng ông Trump.

CNN cho rằng câu trả lời trên hoàn toàn không có vấn đề, ngoại trừ việc cô Ivanka ngoài tư cách “Đệ nhất ái nữ” còn đóng vai trò cố vấn cấp cao của Nhà Trắng. Theo luật chống gia đình trị của Mỹ, quan chức nhà nước bị cấm bổ nhiệm người thân vào các cơ quan liên bang. Và dù không thể bổ nhiệm cô Ivanka làm Bộ trưởng Tài chính, ông Trump đã đề bạt con gái vào vị trí cố vấn cấp cao của Nhà Trắng bởi đây không được xem là cơ quan liên bang. Chuyên gia Katherine Jellison tại Đại học Ohio cho rằng, tình huống của cô Ivanka cho thấy con gái ông Trump đang cố gắng lên tiếng bảo vệ Tổng thống Mỹ trên tư cách người thân lẫn cố vấn.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết