26/04/2008 - 12:35

"Tòa lâu đài" giữa Vùng Xanh

Đại sứ quán Mỹ tại Iraq. Ảnh: AP

Sau hơn 2 năm xây dựng, tòa đại sứ Mỹ tại Thủ đô Baghdad vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ cấp giấy công nhận quyền sử dụng và sẽ chính thức mở cửa trong tháng 5 tới cho 700 nhân viên ngoại giao và 250 quan chức quân sự Mỹ đến làm việc.

Tòa đại sứ nằm bên trong Vùng Xanh với chế độ bảo đảm an ninh nghiêm ngặt này được xây dựng trên diện tích 42 héc-ta, tương đương với thành phố Vatican. “Đại công trình” này được chia làm 27 khu chức năng, trong đó có 619 căn hộ, một trụ sở chính cùng các nhà hàng, rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm, phòng tập thể dục, sân bóng rổ trong nhà và ngoài trời, sân bóng chuyền và hồ bơi đạt tiêu chuẩn Olympic. Khu nhà còn có cả nhà máy xử lý nước và cung cấp điện riêng. Không nghi ngờ gì đây là tòa đại sứ lớn nhất thế giới.

Để hoàn thành tòa nhà đồ sộ này, nhà thầu First Kuwaiti phải sử dụng tới 75.000 tấn xi-măng và 28.000 tấn thép nhập từ Koweit. Trong quá trình xây dựng, nhà thầu bị tổn thất 14 xe tải do bị quân nổi dậy đánh bom, cho dù được quân đội hộ tống trong việc vận chuyển vật liệu từ Koweit sang Iraq. Theo dự tính ban đầu, công trình tiêu tốn khoảng 600 triệu USD và mở cửa hoạt động vào tháng 9-2007. Tuy nhiên, do nhiều lần phải hoãn thi công vì thay đổi thiết kế và lỗi xây dựng nên công trình chậm hoàn thành và vượt dự toán 144 triệu USD. Dự kiến khi đưa vào sử dụng, đại sứ quán Mỹ ở Iraq sẽ ngốn nguồn kinh phí mỗi năm khoảng 1,2 tỉ USD.

Nhận xét về tòa đại sứ Mỹ, một nữ sinh viên Iraq tên Anouar cho rằng đây là biểu tượng của kế hoạch chiếm đóng lâu dài Iraq và khu vực Trung Đông. Còn theo ông Abdul Jabbar Ahmed, phó trưởng khoa khoa học chính trị của Đại học Baghdad, đại sứ quán Mỹ chẳng khác gì những tòa lâu đài khổng lồ mà trước đây được xem là sức mạnh quyền lực của chế độ Saddam Hussein. Ông Jabbar cho rằng Mỹ có quyền bảo đảm an ninh cho các nhân viên ngoại giao của mình, nhưng không nhất thiết phải xây đại sứ quán lớn như vậy. Theo ông, qua việc xây dựng tòa đại sứ khổng lồ ở Iraq, Washington muốn gởi thông điệp rằng “Hãy coi chừng! Chúng tôi từng hạ bệ Saddam Hussein và chúng tôi có thể hạ bệ những chế độ tiếp theo bất cứ lúc nào chúng tôi muốn”.

Thế nhưng, tòa đại sứ khổng lồ và kiên cố này chưa chắc sẽ đứng vững trước các đợt phóng rốc-két và súng cối của lực lượng nổi dậy nhằm vào Vùng Xanh, nơi đặt các cơ quan chính phủ Iraq và đại diện ngoại giao của nhiều nước. Địa điểm xây dựng tòa nhà trên thực tế từng vài lần hứng rốc-két. Chính vì vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ không tìm đủ nhân viên ngoại giao chấp nhận sang Iraq dù điều kiện làm việc ở tòa đại sứ là không chê vào đâu được.

PHÚC NGUYÊN

(Theo Csmonitor, CNN)

Chia sẻ bài viết