|
Một kho nhiên liệu ở Misrata bốc cháy khi quân của Gadhafi tấn công thành phố này. Ảnh: AFP |
Liên quân tiếp tục tiến hành các cuộc không kích mới ở Thủ đô Tripoli của Libye, sau khi Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bác bỏ những chỉ trích cho rằng chiến dịch của NATO nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi đã rơi vào bế tắc.
Ít nhất 3 vụ nổ lớn vang dội Tripoli rạng sáng 10-5. Người phát ngôn chính quyền Libye Musa Ibrahim nói với đài truyền hình Mỹ CNN rằng máy bay chiến đấu của NATO đã tấn công các tòa nhà hành chính ở trung tâm Tripoli và một bệnh viện gần đó. Các quan chức Libye cho biết 4 trẻ em đã bị thương do các miếng kiếng vỡ bay tứ tung sau các vụ nổ trên. Một tòa nhà hành chính bị phá hủy và một tháp viễn thông cho dịch vụ điện thoại di động bị ngã.
Trước đó một ngày, máy bay NATO cũng đã tấn công các kho vũ khí của chính phủ Libye ở khu vực miền núi phía Tây và một số mục tiêu khác ở Đông Misrata, thành phố duy nhất mà phe chống đối còn kiểm soát ở Tây Libye. Bất chấp các cuộc ném bom, lực lượng của Gadhafi vẫn đang giao tranh quyết liệt với quân nổi dậy ở thành phố cảng Misrata bằng các loại vũ khí hạng nặng. Các cuộc đụng độ cũng diễn ra ở thị trấn Ajdabiya, phía Đông Libye hôm 9-5.
Gần 2 tháng sau khi liên quân can thiệp, tình hình chiến sự cho thấy quân đội của Gadhafi không triệt thoái, trong khi lực lượng nổi dậy cũng không thể chiếm ưu thế đáng kể trên chiến trường. Thời báo Los Angeles của Mỹ cho rằng cuộc không kích đã giúp quân nổi dậy lấy lại ưu thế, nhưng bên nào đủ sức mạnh để giành thắng lợi thì vẫn chưa rõ.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói với đài CNN rằng tình hình Libye hiện không rơi vào bế tắc, mà cho rằng NATO đang “tiến công” và đã “làm tiêu hao” đáng kể tiềm lực quân sự của Gadhafi.
Trong khi đó, giao tranh kéo dài đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia Bắc Phi. Phó Tổng thư ký phụ trách nhân đạo Liên Hiệp Quốc Valerie Amos ngày 9-5 đã kêu gọi tất cả các bên liên quan chấm dứt bạo lực để tiến hành viện trợ nhân đạo. Theo bà Amos, hơn 746.000 người, đa phần mang quốc tịch nước thứ ba, đã rời khỏi Libye, trong khi khoảng 5.000 người vẫn bị kẹt tại các trạm biên giới. Gần 68.000 người mất nhà cửa đang sống ở những khu tạm bợ phía Đông Libye.
Tình hình ở Misrata hiện là “tuyến đầu” đáng ngại về hoạt động nhân đạo của LHQ. Cuộc giao tranh kéo dài và các vụ bắn pháo vào thành phố cảng này đã ngăn chặn tàu viện trợ cập cảng, trong khi khoảng 150-300 người nước ngoài đang chờ được di tản ở đây. Chiến sự và các lệnh cấm vận chống chính quyền Gadhafi cũng gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng các nguồn cung hàng hóa bên trong Libye. Kết quả là thiếu nhiên liệu, khó mua các loại hàng tiêu dùng như thực phẩm, thuốc men... và thiếu tiền mặt trầm trọng khắp cả nước. Bà Amos cho biết nguồn cung lương thực ở phía Tây Libye (do lực lượng Gadhafi kiểm soát) còn khoảng 3 tháng, trong khi phía Đông (do phe nổi dậy kiểm soát) còn khoảng 2 tháng. Nhiên liệu và các phụ phẩm cung cấp cho các nhà máy sản xuất nước cũng đang cạn kiệt.
N. MINH (Theo CNN, THX, LA Times)
Một chiếc tàu chở quá tải với hơn 600 người đi lánh nạn đã bị lật ở ngoài khơi Libye và nhiều người đã bị chết chìm hồi cuối tuần trước, theo báo cáo của LHQ hôm 9-5. Sự kiện này đánh dấu cái gọi là “chương chết chóc nhất” trong cuộc xung đột ở Libye. |