15/03/2019 - 20:05

Thượng viện Mỹ liên tục ‘’tỏ thái độ’’ với ông Trump 

Phe Cộng hòa được cho đang gởi thông điệp đến Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh), sau khi Thượng viện do đảng này kiểm soát “thách thức” quyền phủ quyết của ông chủ Nhà Trắng bằng việc thông qua nghị quyết chấm dứt tình trạng khẩn cấp ban bố từ tháng 2.

 Ảnh: UPI

Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi Quốc hội Mỹ từ chối cấp ngân sách 5,7 tỉ USD xây tường biên giới với Mexico. Theo đó, ông Trump có thể lấy khoảng 8,6 tỉ USD từ các dự án khác để dựng bức tường mà ông cho là cần thiết nhằm hạn chế nhập cư trái phép và nạn buôn ma túy. 

Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát sau đó thông qua nghị quyết đảo ngược tuyên bố khẩn cấp. Văn bản này được trình lên Thượng viện và với kết quả 59 phiếu thuận, 41 phiếu chống, Đồi Capitol đã tỏ rõ thái độ trước việc ông Trump muốn qua mặt cơ quan này lấy kinh phí thực hiện cam kết tranh cử năm 2016. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ bỏ phiếu chặn tuyên bố khẩn cấp quốc gia của tổng thống kể từ khi đạo luật này ra đời năm 1976. Việc 12 nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ văn kiện nói trên cũng phản ánh cuộc đối đầu trong nội bộ đảng. Tuy đồng ý chính sách biên giới của ông Trump, nhưng một số thành viên bảo thủ - đặc biệt những người chuẩn bị tái tranh cử năm 2020 - lo ngại đây là “tiền lệ nguy hiểm” bởi Tổng thống đảng Dân chủ tương lai có thể hành động tương tự để thông qua những vấn đề như biến đổi khí hậu, kiểm soát súng.

Ngay sau đó trên Twitter, Tổng thống Trump đã ca ngợi những người Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ an ninh biên giới kèm theo thông điệp “Phủ quyết”, cho thấy ông chủ Nhà Trắng có thể lần đầu tiên trong nhiệm kỳ dùng đến quyền hạn này. Vốn dĩ hai năm đầu, ông Trump không phải sử dụng quyền phủ quyết khi nhánh lập pháp do phe Cộng hòa kiểm soát chủ yếu ủng hộ chương trình nghị sự của tổng thống. Trước cuộc bỏ phiếu hôm 14-3, ông Trump đã cố ngăn việc thông qua nghị quyết khi cảnh báo nghị sĩ Cộng hòa chống lại ông chính là “bỏ phiếu cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, tội phạm và mở cửa biên giới”. Nhưng thất bại trong nỗ lực xoa dịu nội bộ đảng cho thấy có nhiều nghị sĩ đang sẵn sàng thách thức ông Trump.

Trường hợp ông chủ Nhà Trắng quyết bảo vệ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Quốc hội có thể tiến hành bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của tổng thống vào ngày 26-3 và cơ quan này cần 2/3 số phiếu ở hai viện. Với tỷ lệ ủng hộ của nghị sĩ Cộng hòa hiện nay, quyền phủ quyết của ông Trump được dự đoán có thể duy trì hoặc Tòa án Tối cao sẽ ra quyết định cuối cùng. Một số thượng nghị sĩ và chuyên gia cho rằng động thái của Quốc hội là thông điệp quan trọng củng cố quan điểm của tòa, rằng cái gọi là “tình trạng khẩn cấp” thực chất là nỗ lực của ông Trump để xây tường bằng ngân sách quân đội khi không thuyết phục được cơ quan phụ trách chi tiêu liên bang (Quốc hội) theo Hiến pháp. Điều này khiến cuộc chiến pháp lý thêm căng thẳng khi trước đó, 16 tiểu bang đã đồng loạt kiện chính quyền Trump vì quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp để gây quỹ xây tường biên giới.

Cuộc bỏ phiếu hôm 14-3 đánh dấu thất bại thứ hai của Tổng thống Trump tại Thượng viện. Trước đó một ngày, phe Cộng hòa đã cùng đảng Dân chủ “giáng đòn” mạnh vào chính sách đối ngoại của ông Trump khi thông qua nghị quyết chấm dứt sự hỗ trợ của Washington đối với liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu trong cuộc nội chiến Yemen.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết