20/11/2019 - 11:48

Thuốc điều trị hẹp mạch máu hiệu quả như phẫu thuật xâm lấn 

Những người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim, suy tim, đau thắt ngực... nhưng tình trạng sức khỏe ổn định có thể chỉ cần dùng thuốc để điều trị, thay vì phải áp dụng biện pháp phẫu thuật tim xâm lấn như đặt ống stent để khơi thông động mạch bị hẹp hoặc nghẽn. Đây là kết quả nghiên cứu đã được Tiến sĩ Judith Hochman thuộc Trung tâm Y tế NYU Langone Health trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Tim mạch Mỹ vừa qua. 

Đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu thường áp dụng điều trị cho bệnh nhân đau tim. Tuy nhiên, việc có nên can thiệp ở người bị hẹp động mạch vành hoặc đau thắt ngực khi vận động nhưng không bị nhồi máu cơ tim cấp tính hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Những thủ tục xâm lấn như trên có thể làm giảm các cơn đau tức ngực nhưng cũng không đem lại hiệu quả đáng kể nào trong việc ngăn ngừa các tai biến nghiêm trọng hoặc nguy cơ tử vong do vấn đề tim mạch.

Trong nghiên cứu bắt đầu từ năm 2012, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng về tim mạch Hochman cho biết thử nghiệm tiến hành trên hơn 5.000 bệnh nhân ở 37 quốc gia. Người tham gia không bị đau tim hay tắc nghẽn động mạch vành trái – hai trường hợp thường phải đặt stent, nhưng được chẩn đoán bị hẹp động mạch vành từ trung bình đến nặng, hầu hết có tiền sử đau ngực với 20% bị đau ít nhất 1 lần/tuần.

Các bệnh nhân được chia thành 2 nhóm ngẫu nhiên gồm điều trị bằng thuốc, can thiệp bằng phẫu thuật đặt stent hoặc bắc cầu mạch vành. Tùy trường hợp nặng nhẹ mà người bệnh nhóm dùng thuốc được cho uống statin liều cao cùng những loại thuốc khác có tác dụng giảm mỡ trong máu (cholesterol), điều trị huyết áp, aspirin và thuốc ổn định nhịp tim. Người đặt stent cũng dùng thuốc chống đông máu từ 6 tháng đến 1 năm.

Kết quả, các nhà khoa học phát hiện tần suất các cơn đau tim và tỷ lệ tử vong ở những người điều trị với thuốc không cách biệt mấy so với đối tượng phẫu thuật bắc cầu hoặc đặt stent. Cụ thể, số ca tử vong ở nhóm can thiệp bằng phẫu thuật xâm lấn là 145 so với 144 trường hợp ở nhóm dùng thuốc, trong khi số bệnh nhân bị đau tim lần lượt là 276 so với 314 người. Với kết quả này, giới chuyên gia hy vọng các bác sĩ có thể xem xét hạn chế những can thiệp không cần thiết đối với bệnh nhân hẹp mạch vành nhưng tình trạng ổn định.

Ủng hộ nghiên cứu mới, Tiến sĩ William E. Boden tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe VA Boston Health Systen lưu ý thêm rằng đặt stent không làm giảm nhu cầu điều trị mà người bệnh còn phải dùng nhiều thuốc hơn để kiểm soát sức khỏe. Chi phí can thiệp y tế cũng không rẻ với gần 25.000 USD nếu đặt stent và 45.000 USD cho mỗi ca phẫu thuật bắc cầu. Ngoài ra, khoảng 1/3 số bệnh nhân sau khi đặt stent bị đau ngực tái phát trong vòng 30 ngày đến 6 tháng và phải tiến hành đặt lại stent khác.

ĐƯỜNG THẤT (Theo CNN, NYT)

Chia sẻ bài viết