07/12/2023 - 07:04

Thuế là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất? 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổn thất kinh tế do sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 4,5 tỉ USD trong năm 2022. Mức tổn thất tương đương 1,14% GDP, trong khi các quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương mức tổn thất trung bình là 0,9% GDP.

WHO cũng cho biết, gánh nặng kinh tế do thuốc lá gây ra ở Việt Nam đã ở mức cao hơn khoảng 10% so vớ các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Bởi hằng năm chi phí y tế trực tiếp để điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra khoảng 0,7 tỉ USD (tương đương 4,3% chi phí y tế chung, so với trung bình 3,8% ở các nước khu vực Tây Thái Bình Dương).

Trên thực tế, giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, các chuyên gia WHO cho rằng, giá thấp có thể khuyến khích tiêu thụ. Trong khi tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá năm 2020 ở Việt Nam chỉ 38% so với 59% ở các quốc gia có thu nhập trung bình. Còn so trong khu vực ASEAN, tỷ trọng thuế trong giá bán lẻ của Việt Nam là 38,85%, thấp hơn so với Thái Lan (78,6%), Singapore (67,11%), Indonesia (62,26%), Philippines (55,71%), Malaysia (51,47%)… Mặc dù từ năm 2018-2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, nhưng theo đánh giá của WHO, tăng thuế chỉ có tác động vừa phải đến tiêu dùng, mức tăng chưa đủ mạnh để giảm sâu lượng tiêu thụ thuốc lá.

Theo WHO, thuế là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất; tăng thuế cũng đồng nghĩa với việc tăng giá bán. Nếu giá tăng 10%, lượng tiêu thụ giảm 4% ở các nước có thu nhập cao và 5% ở các nước thu nhập trung bình. Thanh niên và người nghèo là đối tượng đáp ứng tốt nhất với thay đổi về giá. Một số quốc gia đã thành công trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá thông qua tăng thuế, như Philippines, tỷ lệ hút thuốc lá năm 2009 là 29% đến năm 2021 giảm xuống còn 19,5%; thu ngân sách từ thuốc lá cũng tăng đáng kể qua từng năm.

Một số tổ chức quốc tế cũng nhận định, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá đang áp dụng ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Mức thuế đang áp dụng (38,85%) là thấp so với nhiều quốc gia đang có tỷ lệ hút thuốc lá cao. Ngoài ra, hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ dựa trên phần trăm của giá xuất xưởng ở Việt Nam có một số điểm yếu, bao gồm cả việc cho phép mức “chênh lệch giá” lớn và khuyến khích cung cấp các sản phẩm rất rẻ trên thị trường. Việc áp dụng hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ dựa trên tỷ lệ phần trăm cũng khó quản lý một cách hiệu quả. Hiện các nước đang chuyển sang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp hoặc tuyệt đối nhằm hạn chế các tổn thất kinh tế do thuốc lá gây ra.

Các chuyên gia WHO khuyến cáo, Việt Nam nên áp dụng phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới theo phương pháp hỗn hợp đối với thuốc lá càng sớm càng tốt để phù hợp với các thực hành tốt trên toàn cầu. Việc xem xét áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá như một biện pháp phòng ngừa vì sức khỏe cộng đồng; đặc biệt là giới trẻ. Ngoài chính sách thuế cũng cần cải cách một số chính sách và giải pháp khác để giảm tỷ lệ hút thuốc lá, xây dựng những mô hình mẫu về môi trường không khói thuốc vì sức khỏe cộng đồng.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết