28/03/2023 - 06:38

Thức ăn ngọt và béo “huấn luyện” não không ưa thực phẩm lành mạnh 

AN NHIÊN (Theo Today, Healthline)

Theo một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Cell Metabolism, việc tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều đường hoặc chất béo có thể làm thay đổi sự kết nối trong não, về lâu dài sẽ hình thành cảm giác ghiền ăn nhóm thực phẩm kém lành mạnh này và ghét những thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Nghiên cứu mới cho thấy càng ăn thực phẩm ngọt và chất béo, chúng ta càng thèm ăn chúng nhiều hơn.

Nghiên cứu mới cho thấy càng ăn thực phẩm ngọt và chất béo, chúng ta càng thèm ăn chúng nhiều hơn.

Lâu nay, chế độ ăn uống chứa hàm lượng cao chất béo và đường được chứng thực gây bất lợi cho sức khỏe. Nhưng đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa rõ liệu sở thích của một người đối với các loại thực phẩm không lành mạnh là kết quả của đặc điểm di truyền hay do cơ chế tự học ở con người.

Để tìm hiểu xem động cơ nào khiến con người chọn chế độ ăn giàu đường và chất béo, các chuyên gia tại Đại học Yale (Mỹ) và Viện Nghiên cứu trao đổi chất Max Planck (Đức) đã thử nghiệm can thiệp chế độ ăn hằng ngày trên một nhóm tình nguyện viên khỏe mạnh và quan sát các tác động sức khỏe của những biện pháp đó đối với họ - bao gồm cân nặng, tình trạng trao đổi chất và thói quen ăn uống nói chung.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu chia những người tham gia thành 2 nhóm để quan sát trong 8 tuần. Trong đó, một nhóm ăn một loại sữa chua giàu chất béo và đường 2 lần/ngày, trong khi nhóm còn lại ăn sữa chua chứa ít chất béo và ít đường 2 lần/ngày. Ngoài việc này, cả hai nhóm đều tiếp tục ăn uống theo thói quen bình thường của họ. Ở giai đoạn cuối thử nghiệm, hai nhóm được cho dùng bánh pudding với hàm lượng chất béo khác nhau và nước ép táo chứa nhiều mức đường khác nhau. Kết quả cho thấy nhóm ăn loại sữa chua nhiều chất béo và đường cho biết họ không còn thích dùng bánh pudding ít chất béo và không muốn uống nước táo ít đường giống như lúc mới bắt đầu tham gia nghiên cứu. Kết quả phân tích ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) não bộ trong khi những người tham gia uống sữa lắc cũng cho thấy, loại thức uống ngọt ngào này khiến hoạt động não ở nhóm ăn sữa chua nhiều chất béo và đường tăng lên, trong khi não của nhóm còn lại thì không có phản ứng biểu hiện sự hưng phấn như vậy.

Từ những phát hiện trên, các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc tiêu thụ thực phẩm chứa hàm lượng cao đường và chất béo thường xuyên sẽ kích hoạt hệ thống kiểm soát dopamine của não, khiến người ta có cảm giác vui vẻ và hứng khởi khi tiếp xúc đồ ăn ngọt và nhiều béo. “Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng việc tiêu thụ đồ ăn nhẹ nhiều chất béo và đường hàng ngày làm giảm sự ưa thích đối với thực phẩm ít ngọt và ít béo, cũng như tái kết nối các mạch não liên kết với cảm giác “tưởng thưởng” để tăng cường phản ứng với thực phẩm ưa thích (ở đây là đồ ngọt và nhiều béo)” - Tiến sĩ Marc Tittgemeyer, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. Theo các tác giả, thực phẩm nhiều đường và chất béo có tác dụng giống như “thuốc gây nghiện” - điều này chứng tỏ các yếu tố góp phần gây béo phì không chỉ ảnh hưởng bởi đặc điểm di truyền và môi trường sống như nhiều người vẫn nghĩ trước đây. 

Các phát hiện mới cũng ủng hộ một nghiên cứu trên chuột được công bố hồi tháng 1 trên Tạp chí Physiology cho thấy, chế độ ăn chứa các loại thực phẩm giàu chất béo và nhiều calo có thể thay đổi các con đường kết nối thần kinh trong não, làm giảm khả năng điều chỉnh lượng calo hấp thụ.

Chia sẻ bài viết