Sau lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), các chuyến công du nước ngoài của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể bị ảnh hưởng vì một số quốc gia thành viên của tòa này ở châu Âu khẳng định sẽ thực hiện nghĩa vụ.
Thủ tướng Netanyahu cáo buộc ICC “bài Do Thái” khi phát lệnh bắt ông. Ảnh: EPA
Ngày 21-11, ICC đã phát lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu cùng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và chỉ huy cánh vũ trang Hamas Mohammed Deif vì “các tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh” ở Dải Gaza.
ICC cho biết các tội ác này được thực hiện ít nhất từ ngày 8-10-2023 đến ngày 20-5-2024, tức là từ khi chiến tranh nổ ra ở Gaza cho đến lúc công tố viên Karim Khan của ICC nộp đơn xin lệnh bắt giữ.
ICC, có trụ sở tại The Hague (Hà Lan), được thành lập vào năm 2002 như một công cụ để buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm về các hành động tàn bạo như diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Tòa án này tách biệt với Tòa án Công lý Quốc tế trực thuộc Liên Hiệp Quốc.
Do không có lực lượng cảnh sát, ICC phải dựa vào các quốc gia thành viên để thực hiện lệnh bắt. Tòa án này cũng không thể tiến hành xét xử vắng mặt.
Israel không phải là quốc gia thành viên và tuyên bố rằng ICC không có thẩm quyền đối với người dân nước này. Ông Netanyahu đã lên án lệnh bắt của ICC là quyết định “bài Do Thái”, đồng thời khẳng định phán quyết này sẽ không ngăn cản ông tiếp tục cuộc chiến chống Hamas ở Gaza.
Hệ lụy đối với Thủ tướng Netanyahu
Phán quyết của ICC đặt ra những thách thức lớn đối với ông Netanyahu. 124 quốc gia thành viên của ICC hiện có nghĩa vụ bắt giữ và dẫn độ ông Netanyahu về The Hague để xét xử nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của những nước này.
❝ Bộ Y tế Lebanon thông báo những cuộc không kích trên diện rộng ngày 21-11 của Israel vào miền Đông và miền Nam Lebanon đã khiến 52 người thiệt mạng. Theo đó, quân đội Israel đã không kích 10 địa điểm ở miền Đông Lebanon trong khi khu vực ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut ghi nhận ít nhất 12 cuộc tấn công. Cùng ngày, lữ đoàn Al-Qassam, cánh quân sự của Hamas, tuyên bố 15 binh sĩ Israel đã thiệt mạng trong vụ tấn công của lực lượng này tại thị trấn Beit Lahia, phía Bắc Gaza.
|
Danh sách trên có cả một số đồng minh thân cận nhất của Israel ở phương Tây, như Anh, Canada, Úc, Đức, Pháp, Bỉ, Ý, Hà Lan và Na Uy. Đây là những nước đã cung cấp vũ khí và bảo vệ ngoại giao để Tel Aviv tiến hành các hành vi bạo lực chống lại người Palestine.
Tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đều là thành viên ICC. 33 quốc gia châu Phi và toàn bộ các nước Mỹ Latinh, ngoại trừ Cuba và Haiti, cũng là thành viên của tòa.
Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho rằng các lệnh bắt giữ có tính “ràng buộc” đối với tất cả các quốc gia tham gia Quy chế Rome - hiệp ước quốc tế thành lập ICC. Ngay sau khi lệnh bắt được ban hành, Hà Lan đã trở thành nước đầu tiên tuyên bố sẽ tuân thủ phán quyết. Các quốc gia châu Âu khác nhanh chóng nối gót, bao gồm Ireland và Pháp.
Ngoại lệ đáng chú ý là Mỹ, quốc gia đã rút khỏi Quy chế Rome năm 2002 và không có nghĩa vụ pháp lý phải hành động chống lại ông Netanyahu. Tổng thống Joe Biden gọi lệnh bắt của ICC là “sự xúc phạm” và tuyên bố Mỹ sẽ luôn sát cánh cùng Israel chống lại các mối đe dọa an ninh đối với đồng minh thân cận này.
Nga và Trung Quốc cũng không phải thành viên của ICC. Tuy nhiên, ICC nhấn mạnh rằng dù các quốc gia không phải thành viên không có nghĩa vụ pháp lý, họ vẫn được “khuyến khích” thực thi lệnh bắt giữ, vì tòa án không có cơ chế thực thi trực tiếp.
Ông Netanyahu sẽ chỉ bị bắt nếu đến một quốc gia thành viên ICC quyết định thực thi lệnh bắt. Mặc dù ít có khả năng xảy ra kịch bản này, lệnh bắt giữ vẫn phủ bóng đen lên Thủ tướng Netanyahu. Cả ông và Israel có nguy cơ bị cô lập hơn trên trường quốc tế cũng như phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ.