|
Thủ tướng Ehud Olmert. Ảnh: Time |
Trong một động thái khá bất ngờ, Thủ tướng Israel Ehud Olmert tối 30-7 thông báo sẽ từ chức và không tham gia tranh cử chức chủ tịch đảng Kadima cầm quyền vào ngày 17-9 tới. Quyết định của ông Olmert có thể sẽ đẩy hệ thống chính trị của Israel vào nguy cơ bất ổn và đe dọa khả năng đạt được tiến bộ trong lộ trình hòa bình Trung Đông.
Từ khi chính thức trở thành thủ tướng vào tháng 6-2006 đến nay, ông Olmert thường xuyên chịu sự chỉ trích gay gắt từ giới chính khách về khả năng điều hành, cũng như đối mặt với không ít cáo buộc tham nhũng. Thất bại của Israel trong cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở miền Nam Liban mùa hè năm 2006 khiến tỷ lệ ủng hộ của dân chúng đối với ông có lúc xuống dưới 20%. Tuy vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau nhiều vụ bê bối hồi đầu năm nay, nhưng trước sức ép của các đối thủ chính trị trong nội các, nhất là cáo buộc của doanh nhân Mỹ Morris Talansky rằng ông từng nhận phong bì hơn 150.000 USD, Thủ tướng Olmert cuối cùng phải chấp nhận ra đi mặc dù vẫn phủ nhận những hành vi phạm pháp.
Việc từ chức của Thủ tướng Olmert có thể tạo cơ hội cho phó chủ tịch đảng Kadima, Ngoại trưởng Tzipi Livni trở thành nữ thủ tướng thứ hai của Israel. Hiện có 35% thành viên Kadima ủng hộ bà Livni so với 26% dành cho Bộ trưởng Giao thông Shaul Mofaz (ông này nguyên là Bộ trưởng Quốc phòng, Tham mưu trưởng quân đội).
Tuy nhiên, Israel có khả năng phải tổ chức tổng tuyển cử sớm trong trường hợp các đảng đối lập liên kết lại với nhau cản trở tân chủ tịch Kadima thành lập chính phủ mới. Nếu kịch bản này xảy ra thì nhiều khả năng sẽ đem lại thắng lợi cho lãnh đạo đảng Likud cánh hữu đối lập, cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Theo khảo sát của Kênh truyền hình 10 (Israel), ông Netanyahu được 36% chính khách được hỏi ủng hộ, trong khi 24,6% nghiêng về bà Livni, và 11,9% dành cho Bộ trưởng Quốc phòng đồng thời là chủ tịch Công đảng nằm trong liên minh cầm quyền Ehud Barak (ông Barak cũng từng giữ chức thủ tướng Israel). Nếu Bộ trưởng Giao thông Mofaz làm chủ tịch đảng Kadima thì cơ hội chiến thắng của ông Netanyahu còn lớn hơn nữa.
Việc từ chức của ông Olmert đương nhiên sẽ tác động mạnh tới tiến trình hòa bình Trung Đông, bởi ông là người chủ trương nối lại đàm phán hòa bình với Palestine sau 8 năm xung đột và ký với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thỏa thuận hòa bình Annapolis tại Mỹ hồi cuối năm ngoái. Mới đây, Israel cũng khởi động đàm phán gián tiếp với Syrie. Hôm qua 31-7, ông Olmert tuyên bố sẵn sàng trao trả cao nguyên Golan cho Syrie sớm hơn dự tính để đổi lấy cuộc thương lượng trực tiếp với Damas và “chấp nhận nhượng bộ rất lớn” nếu Syrie chịu từ bỏ quan hệ đồng minh chiến lược với Iran, đồng thời ngừng hỗ trợ các phong trào cực đoan như Hezbollah ở Liban và Hamas ở Palestine. Thủ tướng Olmert tuyên bố sẽ không “từ bỏ giải pháp hòa bình cho tới khi nào còn nắm quyền”. Thực ra, lời nói và việc làm của ông Olmert không phải lúc nào cũng đi đôi, và giờ đây dường như ông không còn cơ hội.
N.MINH (Theo Reuters, Guardian, Haaretz)