Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tuyên bố không từ chức bất chấp liên minh cầm quyền của ông mất thế đa số tại Thượng viện trong cuộc bầu cử hôm 20-7.

Thủ tướng Nhật Bản Ishiba phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21-7. Ảnh: Reuters
Ở cuộc bầu cử vừa qua, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của ông Ishiba và đối tác liên minh là đảng Công Minh cần 125 ghế để giành thế đa số tại Thượng viện có 248 thành viên. Một nửa số ghế Thượng viện được bầu lại mỗi 3 năm. Liên minh cầm quyền đã có 75 ghế không tranh cử và cần 50/124 ghế được bầu lần này.
Điều chưa từng có trong lịch sử 70 năm
Tuy nhiên, kết quả kiểm phiếu cho thấy LDP và đảng Công Minh chỉ giành được 47 ghế. Liên minh này hiện chỉ có 122 ghế, giảm so với 141 ghế trước cuộc bầu cử.
Cũng theo kết quả kiểm phiếu, đảng Dân chủ Lập hiến (CDPJ) giành được 22 ghế, so với 38 ghế trước đó và đảng Đổi mới Nhật Bản (JIP) thu về 7 ghế, giảm từ 18 ghế. Đáng nói, các đảng đối lập gồm đảng Dân chủ Nhân dân (DPP) trung hữu và đảng cánh hữu Sanseito đã đạt những bước tiến lớn, trong đó DPP giành 17 ghế, tăng so với 9 ghế trước đó và Sanseito được 14 ghế (tăng so với 2 ghế trước đó).
Như vậy, đây là lần đầu tiên trong 70 năm lịch sử của LDP, đảng này dẫn đầu một liên minh không kiểm soát viện nào của Quốc hội Nhật Bản.
Ảnh hưởng của Thủ tướng Ishiba đã suy giảm sau khi LDP không giành được đa số tuyệt đối tại Hạ viện trong cuộc bầu cử hồi tháng 10-2024, lần đầu tiên đối với đảng này sau 15 năm. Khi đó, LDP - Công Minh đã phải đưa ra những nhượng bộ trước phe đối lập để thông qua các dự luật.
Những thất bại liên tiếp có thể sẽ gia tăng áp lực buộc ông Ishiba phải từ chức sau chưa đầy một năm tại vị. Các cử tri đang mất niềm tin vào LDP và đảng Công Minh trong bối cảnh giá cả leo thang và bất mãn về cách chính phủ xử lý lạm phát.
Nội bộ bất đồng và tương lai bấp bênh
Thực tế, các nhân vật quyền lực trong đảng cầm quyền đã kêu gọi ông Ishiba từ chức. Trong đó, cựu Phó Thủ tướng Taro Aso tuyên bố “không thể chấp nhận” việc ông Ishiba tiếp tục làm thủ tướng.
❝ Bất ổn chính trị tại nền kinh tế lớn thứ tư thế giới diễn ra trong bối cảnh Tokyo và Washington đang chật vật trong các cuộc đàm phán thương mại, vốn đã kéo dài từ tháng 4. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa áp thuế 25% lên nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản nếu nước này không đạt được thỏa thuận trước ngày 1-8. Thất bại mới nhất có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán này vì chính phủ của ông Ishiba sẽ phải đối mặt với các đảng đối lập đang lên và những người chỉ trích từ trong nội bộ LDP.
|
Tuy nhiên, Thủ tướng Ishiba ngày 21-7 tuyên bố sẽ tiếp tục tại vị, khiến một số thành viên trong đảng cầm quyền phải cân nhắc tương lai của ông trong khi phe đối lập xem xét đề xuất một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Phát biểu trước báo giới, ông Ishiba nói muốn tiếp tục lãnh đạo để giám sát các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ và các vấn đề cấp bách khác như giá tiêu dùng tăng cao.
Dù vậy, liên minh cầm quyền của ông Ishiba sẽ phải hình thành quan hệ đối tác theo từng vấn đề, vì chưa có đảng nào khác tuyên bố sẵn sàng tham gia. Ông tin rằng điều này có thể đạt được, thể hiện qua việc liên minh cầm quyền đã có thể thông qua dự thảo ngân sách “nhờ những nỗ lực, sự hỗ trợ và hướng dẫn đa dạng của các đảng khác” trong các kỳ họp Quốc hội năm ngoái và năm nay.
Trong khi đó, phe đối lập đang chia rẽ và khả năng các đảng có thể thành lập một chính phủ thay thế là rất thấp, theo Hidehiro Yamamoto, giáo sư chính trị và xã hội học tại Đại học Tsukuba (Nhật Bản). Tất cả các lực lượng đối lập lớn đã từ chối hợp tác với LDP và đảng Công Minh trong một liên minh mở rộng. “Việc mở rộng liên minh sẽ rất khó khăn, trong đó DPP là đối tác khả dĩ nhất với điều kiện (chính phủ) phải tung ra một số biện pháp tài khóa tích cực, như cắt giảm thuế”, ông Yamamoto nhận định.
Do đó, nhiều khả năng ông Ishiba sẽ tiếp tục cần sự ủng hộ của phe đối lập trong từng trường hợp cụ thể để thông qua các dự luật. Đổi lại, phe đối lập có thể thúc đẩy việc cắt giảm hoặc bãi bỏ thuế tiêu dùng, điều mà Thủ tướng Ishiba đã phản đối do nợ quốc gia của Nhật Bản lên tới hơn 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ông Ishiba cho biết sẽ không có thay đổi lớn về định hướng chính sách, đặc biệt là liên quan đến thuế tiêu dùng.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)