04/09/2009 - 08:23

Thử thách liên minh Mỹ-Nhật

Ông Hatoyama (trái) tiếp Đại sứ Mỹ
John V. Roos hôm 3-9.
Ảnh: AP

Ngày 3-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng sắp nhậm chức của Nhật Bản Yukio Hatoyama, trước sự lo ngại rằng chính quyền mới ở Tokyo có thể theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập hơn với Washington. Tổng thống Obama hoan nghênh vai trò “độc lập” hơn của Nhật, nhưng khẳng định sẽ không ủng hộ một số ý tưởng về an ninh của tân chính quyền theo đường lối trung tả ở Tokyo.

Trong cuộc điện đàm, hai bên đã thảo luận về quan hệ an ninh song phương và muốn xây dựng quan hệ đối tác hiệu quả hơn. Ông Hatoyama cho biết muốn “xây dựng quan hệ với Mỹ hướng tới tương lai” và liên minh Nhật - Mỹ là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Tokyo. Tuyên bố của Nhà Trắng cũng nêu rõ Tổng thống Obama muốn hợp tác khôi phục kinh tế, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chống biến đổi khí hậu, chống khủng bố và xây dựng hòa bình, thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật.

Tuyên bố trên của ông Hatoyama được xem là nỗ lực tránh gây tranh cãi với Mỹ. Trong chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử Hạ viện ngày 30-8, ông Hatoyama đã kêu gọi xây dựng nước Nhật có quan hệ cân bằng hơn với Mỹ và tăng cường hợp tác với các nước láng giềng châu Á. Tuyên bố trên đã gây lo ngại về sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai đồng minh gần gũi Mỹ - Nhật. Dưới sự lãnh đạo của đảng Dân chủ Tự do (LDP) gần như xuyên suốt hơn nửa thế kỷ qua, Tokyo đã thiết lập mối quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ với Washington, trong đó đặc biệt là cho phép Mỹ triển khai gần 50.000 quân ở Nhật, đa phần đồn trú trên đảo Okinawa. Trong khi đó, đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) của ông Hatoyama kêu gọi xem lại sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước này.

Một trong những thách thức đầu tiên của ông Hatoyama là kế hoạch chuyển 8.000 lính thủy đánh bộ Mỹ khỏi đảo Okinawa tới vùng lãnh thổ Guam của Mỹ vào năm 2014. Chi phí phía Nhật bỏ ra cho việc chuyển quân này là khoảng 10 tỉ USD. Một số người đã đặt vấn đề với chính phủ về khoản đóng góp quá lớn trên.

Vấn đề quan trọng thứ hai bị trì hoãn lâu nay là tìm vị trí mới cho căn cứ không quân Futenma ở đảo Okinawa. Tháng 8 vừa qua, khoảng 200 người đã tập trung biểu tình phản đối việc đặt căn cứ Futenma trong khuôn viên Trường Đại học quốc tế Okinawa. 5 năm trước, một chiếc trực thăng bị rơi ở khu vực này và phá hủy một tòa nhà của trường, làm bùng phát làn sóng biểu tình đòi đóng cửa căn cứ Futenma. Người dân Okinawa muốn Mỹ dời căn cứ khỏi đảo này, chứ không đơn giản là tới một địa điểm khác ít dân cư hơn trên đảo. DPJ cũng cho rằng căn cứ Futenma cần được chuyển đến nơi khác ở nước Nhật, nhưng chưa đề nghị địa điểm nào. Không tìm được địa điểm thích hợp thay thế căn cứ Futenma có thể làm chậm trễ việc chuyển quân Mỹ khỏi đảo, càng khiến người dân Okinawa tức giận, nhất là khi người dân nơi đây vẫn chưa quên vụ lính Mỹ cưỡng hiếp phụ nữ địa phương hồi năm 2007. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ian Kelly cho biết Washington không muốn đàm phán lại về kế hoạch thay thế căn cứ Futenma hoặc việc chuyển quân tới đảo Guam với chính quyền mới ở Tokyo.

Một vấn đề gai góc khác trong quan hệ Nhật - Mỹ là Tokyo quyết định không kéo dài nhiệm vụ tiếp nhiên liệu cho tàu chiến của liên quân do Mỹ cầm đầu trên Ấn Độ Dương, phục vụ cuộc chiến tranh ở Afghanistan. DPJ cho biết họ muốn chấm dứt sứ mệnh này vào đầu năm tới.

Ngoài ra, ông Hatoyama cũng cam kết đàm phán với ông Obama không để Mỹ đưa vũ khí hạt nhân vào Nhật. Ông Hatoyama nghi ngờ các chính phủ tiền nhiệm đã có một thỏa thuận mật với Mỹ về việc triển khai vũ khí hạt nhân ở nước này.

Trước khả năng liên minh Mỹ-Nhật bị thử thách, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates dự kiến sẽ tới Tokyo vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới để củng cố liên minh quân sự này.

N.MINH (Theo AP, AFP, Reuters)

Ông Hatoyama (trái) tiếp Đại sứ Mỹ John V. Roos hôm 3-9. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết