10/01/2011 - 21:56

Thống đốc ngân hàng kiệt xuất nhất hành tinh

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria Sanusi. Ảnh: AFP

Lâu nay, Nigeria nổi tiếng là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Tuy nhiên, thống đốc ngân hàng trung ương của quốc gia Tây Phi này vừa nhận được hai giải thưởng quốc tế danh giá nhất trong lĩnh vực quản lý tiền tệ.

Ông Mailam Lamido Aminu Sanusi, được tạp chí The Banker (Giám đốc ngân hàng) uy tín toàn cầu, bình chọn là “Thống đốc ngân hàng trung ương của năm 2010” không chỉ ở châu Phi mà cả trên thế giới. Tổng Biên tập Brian Caplen cho biết ông Sanusi là ứng cử viên duy nhất đạt được sự đồng thuận tuyệt đối của hội đồng bình chọn giải thưởng “Thống đốc Ngân hàng Trung ương xuất sắc nhất toàn cầu” trong năm vừa qua.

Được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN) tháng 6-2009, nhà lãnh đạo 49 tuổi này được khen ngợi là đã xuất sắc vực dậy ngành tài chính vỡ vụn của nước nhà. Với quyết tâm làm trong sạch hệ thống ngân hàng đầy quyền lực và nổi tiếng “ăn bạo”, ông đã sa thải và đưa ra trước vành móng ngựa hàng loạt tổng giám đốc điều hành liên quan đến vụ suýt sụp đổ của ít nhất 9 ngân hàng Nigeria hồi năm 2009. Trong đó phải kể đến vụ bà Cecilia Ibru, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Oceanic, tháng 10 năm ngoái bị kết án 25 tội danh về lừa đảo và quản lý yếu kém, gây chấn động giới ngân hàng nước này vì nhân vật này quyền lực tới mức không cảnh sát nào dám đụng tới. Trước đó ít tháng, một nhân vật quyền lực khác là ông Erastus Akingbola – cựu tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Intercontinental – bị xét xử 22 tội danh về quản lý tài chính liên quan đến vụ hấp hối của nhà băng hàng đầu Nigeria này.

Theo trưởng văn phòng đại diện của tạp chí The Banker tại Nigeria, Kunle Ogedengbe, chính nhờ chiến dịch chống tham nhũng và cải cách mạnh tay của thống đốc Sanusi mà trong 18 tháng qua, 24 ngân hàng của Nigeria đã thoát khỏi bờ vực phá sản. Năm 2010, Nigeria có đến 9 ngân hàng lọt vào tốp 1.000 ngân hàng hàng đầu thế giới do The Banker bình chọn. “Các biện pháp cải cách mà ông Sanusi đề xuất là cần thiết để thanh lọc ngành ngân hàng. Nếu không, hệ thống ngân hàng Nigeria chắc chắn sẽ lâm nguy lần nữa”, Ogedengbe nhận xét. Chưa hết, những biện pháp cải cách mà Thống đốc Sanusi đang theo đuổi đã góp phần đưa Nigeria trở lại vị trí thị trường triển vọng nhất châu Phi, qua đó lôi kéo giới đầu tư nước ngoài quay lại nước này.

Thống đốc Sanusi mô tả chính sách cải cách hệ thống tài chính của Nigeria mà ông đề ra giống như việc xây nhà trên 4 trụ cột, đó là:

- Tăng cường chất lượng của các ngân hàng

- Thiết lập cơ chế bình ổn tài chính trong nước

- Tạo điều kiện phát triển hệ thống tài chính lành mạnh

- Bảo đảm ngành tài chính góp phần thực sự vào nền kinh tế

Với quan điểm ngân hàng không phải là một ngành kinh doanh thông thường mà phải là đơn vị phục vụ nền kinh tế, Thống đốc Sanusi đã mạnh tay thay đổi bộ máy lãnh đạo ở những ngân hàng thuộc diện phải giải cứu. Chỉ sau 2 tháng cầm trịch ở CBN, ông đã giải cứu thành công 5 ngân hàng và sa thải tất cả tổng giám đốc điều hành của những đơn vị yếu kém này. Một cải cách then chốt khác do sếp Sanusi khởi xướng đang được CBN thực thi hiệu quả đó là nói “không” với nạn “tham quyền cố vị” vốn ăn sâu bám rễ trong giới lãnh đạo ngân hàng nước này. Theo đó, tổng giám đốc các ngân hàng không được giữ ghế quá 10 năm. Sau khi hết nhiệm kỳ, họ phải ra đi cho dù thành tích có tuyệt vời đến cỡ nào. Qui định này đã dẫn đến sự thay đổi dàn lãnh đạo tại một loạt ngân hàng hàng đầu ở Nigeria trong năm 2009. Chính những cải cách sâu rộng trên mà giới ngân hàng Nigeria đặt cho thống đốc CBN biệt danh là “sóng thần Sanusi”.

Trả lời phỏng vấn tạp chí The Banker, “Thống đốc ngân hàng trung ương giỏi nhất năm 2010” cho rằng để giải cứu ngành ngân hàng Nigeria trong cơn nguy khốn, ông không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tấn công những nhân vật quyền lực nổi tiếng “tham ăn” trong ngành, những kẻ mà ông gọi là đang bóc lột hệ thống tài chính quốc gia. Không chỉ nổi tiếng trong giới tài chính – ngân hàng, Sanusi còn được nhân dân yêu mến bởi ông đã chỉ cho họ thấy qui mô tham nhũng ở quốc gia này, nhất là vụ ông phát hiện 25% ngân sách quốc gia lâu nay thuộc về tay giới nghị sĩ nước này. Với bản lĩnh cương trực và không hề khiếp sợ những kẻ có quyền thế, cuối năm 2010 vừa qua, “sóng thần Sanusi” được nhân dân Nigeria bình chọn là “Người đàn ông Chim bạc của năm” – giải thưởng dành cho công dân xuất chúng ở nước này.

MINH QUÂN
(Theo The Banker, BBC, Sunnewsonline)

Chia sẻ bài viết