|
Ảnh: AP |
Hôm qua 8-8, bà Sonia Sotomayor (ảnh) nhậm chức Thẩm phán Tòa án tối cao liên bang Mỹ thay thế thẩm phán mới về hưu David Souter, trở thành nữ thẩm phán gốc Mỹ La-tinh đầu tiên và là nữ thẩm phán thứ ba trong lịch sử 220 năm của Tòa án Tối cao Mỹ.
Trước đó hôm 6-8, với 68 phiếu thuận và 31 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn bà Sotomayor làm thẩm phán Tòa án Tối cao liên bang gồm 9 thành viên. Việc bà Sotomayor nhận được sự ủng hộ của đa số thượng nghị sĩ Mỹ là một bất ngờ vì quá trình tranh luận về đề cử của Tổng thống Barack Obama diễn ra khá gay gắt và kéo dài suốt mùa hè qua. Nhưng cũng vì thế, theo các nhà phân tích, kết quả bỏ phiếu không chỉ là thắng lợi lớn trong sự nghiệp 17 năm làm thẩm phán liên bang của bà Sotomayor mà còn cho cả ông Obama và đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử quốc hội nửa nhiệm kỳ vào năm tới.
Quyết định của Thượng viện Mỹ thu hút sự chú ý của công luận Mỹ bởi bà Sotomayor, 56 tuổi, là thẩm phán Tòa án Tối cao đầu tiên xuất thân từ cộng đồng người Mỹ la-tinh thiểu số nói tiếng Tây Ban Nha. Cha mẹ bà là dân nhập cư gốc Puerto Rico, đảo thuộc địa của Mỹ nằm ở vùng Caribbe. Sau khi cha qua đời năm Sotomayor lên 9, mẹ bà làm y tá một mình nuôi hai con. Tuy gia cảnh thiếu thốn nhưng nhờ chăm học nên Sotomayor được vào học luật ở Đại học Princeton năm 1973. Với kết quả học tập xuất sắc, bà được học tiếp ở Đại học Yale vốn nổi tiếng là nơi đào tạo nhiều lãnh đạo cao cấp của Mỹ. Từ khi làm trợ lý pháp lý ở một quận thuộc New York năm 1979 cho đến khi làm thẩm phán liên bang, bà Sotomayor luôn được lòng công chúng.
Là chức vụ có thể nắm giữ suốt đời, thẩm phán Tòa án Tối cao là người được tổng thống đề cử và Thượng viện phê chuẩn, nhưng có thể bị Quốc hội bỏ phiếu phế truất. Tòa án Tối cao có vai trò giám sát sự tôn trọng Hiến pháp của các bang và chính quyền liên bang. Từ năm 2008 đến nay, Tòa án Tối cao Mỹ thụ lý 53 vụ xét xử có liên quan đến Hiến pháp, trong đó có 23 vụ được quyết định với tỷ lệ sát nút 5/4.
|
Tuy nhiên, với lập trường hậu thuẫn chính sách kiểm soát quyền sử dụng súng cá nhân, bà Sotomayor không được lòng nhiều nghị sĩ phe Cộng hòa. Đảng Con Voi lo ngại bà sẽ là tiếng nói đối lập trong Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao do phía Cộng hòa chiếm đa số (6 thẩm phán). Ngoài ra, trong những cuộc tranh luận về việc đề cử bà Sotomayor, một số nghị sĩ Cộng hòa cho rằng bà Sotomayor với xuất thân gốc Mỹ La-tinh có thể sẽ đưa ra những phán quyết thiên vị sắc tộc thiểu số. Tuy nhiên, các nghị sĩ Dân chủ đánh giá bà là thẩm phán giàu kinh nghiệm, có khuynh hướng ôn hòa và công tâm.
Các nhà phân tích cho rằng việc bà Sotomayor ngồi ghế thẩm phán Tòa án Tối cao sẽ tạo ra “ấn tượng” tốt trong cộng đồng thiểu số người Puerto Rico nói riêng và cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha nói chung. Cộng đồng này hiện nay dù đông hơn cả cộng đồng người da đen gốc Phi, nhưng họ cảm thấy mình ít được thừa nhận và ít có đại diện trong hệ thống chính trị Mỹ. Do đó, đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha dành nhiều ủng hộ hơn cho đảng Dân chủ cầm quyền.
PHÚC GIA AN
(Theo AP, BBC, Le Monde)